Cuộc thi thu hút hơn 90 đội sinh viên từ nhiều trường đại học, cao đẳng miền Bắc nhằm lan tỏa những hiểu biết đúng đắn về tài chính cá nhân và góp phần hình thành những thói quen tài chính tốt.

Trao giải cho 4 đội thi tại vòng chung kết "Hiểu đúng về tiền 2020" | Ảnh: BTC
Trao giải cho 4 đội thi tại vòng chung kết "Hiểu đúng về tiền 2020" | Ảnh: BTC

Sáng 24/10, tại ĐH Quốc gia Hà Nội đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi “Hiểu đúng về tiền 2020". Cuộc thi do Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức, kĩ năng về tài chính cá nhân trong đầu tư, chi tiêu tiết kiệm, sử dụng các dịch vụ ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, tín dụng đen… Đồng thời, giúp sinh viên có những hiểu biết đúng đắn về giá trị đồng tiền, nhận thức, hành vi và hình thành những thói quen tài chính tốt.

Mặc dù là năm đầu tiên diễn ra, nhưng ngay sau lễ phát động ngày 1/10, Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo trường đại học phía Bắc, với khoảng 90 đội đăng ký dự thi (mỗi đội thi gồm 3 thành viên).

Trải qua gần một tháng tuyển chọn và đào tạo, Cuộc thi đã chọn được 4 đội xuất sắc vào Vòng chung kết, đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội (đội NAN), Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội (đội 3G), Trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội (đội Wamib) và Học viện Ngân hàng (đội D.T.A)

Sau các phần thi Khởi động, Tăng tốc và Về đích, được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú như biểu diễn kịch và âm nhạc, trắc nghiệm, thuyết trình, clips tình huống…, giải quán quân thuộc về đội Học viện Ngân hàng, với phần thưởng tiền mặt 20 triệu đồng. Giải nhì thuộc về đội Đại học Ngoại Thương với giải thưởng tiền mặt 15 triệu đồng. Hai đội còn lại đồng giải ba với giải thưởng tiền mặt 5 triệu đồng.

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao các trao phụ cho Đội được yêu thích nhất; Đội cổ vũ hay nhất; Đội thuyết trình hấp dẫn; Đội thi phong cách; Đội tranh biện thuyết phục nhất…

Cuộc thi là sân chơi của kiến thức và sự sáng tạo về tài chính | Ảnh: BTC
Cuộc thi là sân chơi của kiến thức và sự sáng tạo về tài chính | Ảnh: BTC

“Tôi đánh giá cao khả năng sáng tạo và cách thể hiện kiến thức, hiểu biết của các sinh viên”, bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN - cho biết. “Hi vọng các bạn trẻ sẽ tiếp tục lan tỏa nhận thức trong cộng đồng nhằm bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính và giảm thiểu chi phí xã hội"

Một số câu hỏi trong cuộc thi “Hiểu đúng về tiền 2020”

Thẻ ghi nợ nội địa thực hiện được những giao dịch gì?
(Đáp án: Chuyển khoản liên ngân hàng, sao kê tài khoản, thanh toán hóa đơn điện nước, học phí, vé máy bay...)

Chức năng nào của thẻ không thể thực hiện trên ATM?
(Đáp án: Thay đổi hạn mức chuyển khoản hoặc hạn mức rút tiền mặt trong ngày.)

Tài khoản tiền gửi ngân hàng có thể dùng làm căn cứ cho các giao dịch nào?
(
Đáp án: Làm tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng.)

Sổ tiết kiệm có thể do bao nhiêu người đồng sở hữu?
(
Đáp án: Một hoặc nhiều người cùng đứng tên.)

• Khách hàng không nên..?
(Đáp án: Gọi điện cho nhân viên ngân hàng đến nhà riêng hoặc ngoài điểm giao dịch để nhận tiền gửi tiết kiệm.)

Có thể đến đâu để vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống?
(Đáp án: Ngân hàng thương mại, Công ty tài chính, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài)

Mức vay tiêu dùng tối đa cho phép của công ty tài chính là bao nhiêu?
(Đáp án: 100 triệu đồng)

Ở nước ngoài, hạn mức rút tiền mặt ngoại tệ từ tài khoản ngân hàng Việt Nam là bao nhiêu?
(Đáp án: 30 triệu đồng)

Mức lãi suất nào được coi là “tín dụng đen”?
(Đáp án: Lãi suất vượt quá 150% mức lãi suất căn bản của ngân hàng nhà nước.)

• Năm 2020, mức cho vay tối đa của ngân hàng chính sách xã hội với HSSV là 2.500.000 đồng/tháng. Trường hợp sinh viên sau khi tốt nghiệp, do nguyên nhân khách quan chưa trả được nợ thì sẽ làm thế nào?
(Đáp án: Ngân hàng xem xét cho gia hạn nợ.)

Các loại thu nhập nào được miễn thuế thu nhập cá nhân?
(Đáp án: Thu nhập từ lãi tiền gửi ở tổ chức tín dụng.)

Nguyên tắc trong quản lý tài chính cá nhân?
(Đáp án: “Tiết kiệm trước, Chi tiêu sau”)