Và hầu hết các doanh nghiệp này đổi mới công nghệ thụ động, do yêu cầu nảy sinh trong quá trình sản xuất, chứ chưa có kế hoạch dài hạn.

Tại hội thảo “Giải pháp phát triển các trung tâm đổi mới công nghệ phục vụ chuyển đổi số”, do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngàu 23/10, bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM cho biết, theo khảo sát mới đây của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TPHCM về trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM, trình độ lạc hậu chiếm 2,49%, trung bình - 75,52%, trung bình khá - 15,54%. Hầu hết các doanh nghiệp đổi mới công nghệ thụ động, do yêu cầu nảy sinh trong quá trình sản xuất, chứ chưa có kế hoạch dài hạn. Tốc độ triển khai công nghệ mới của các doanh nghiệp cũng còn chậm và mức độ đầu tư đổi mới công nghệ mới chỉ đạt khoảng 0,5% doanh thu/năm, chủ yếu là chi mua trang thiết bị, máy móc, phần cứng.

Theo bà Hải, tốc độ đổi mới thiết bị đang làm hạn chế rất nhiều đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất… nên nhiều sản phẩm trong nước có giá cao hơn sản phẩm cùng loại nhập khẩu. “Với môi trường cạnh tranh toàn cầu khốc liệt như hiện nay, nếu doanh nghiệp không kịp thời thích ứng, nắm bắt công nghệ và tận dụng những nền tảng công nghệ số để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất thì sẽ nhanh bị tụt hậu, và khi đó nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường là rất lớn.”, bà Hải nhấn mạnh.

C
Đại biểu góp ý cho Hội thảo. Ảnh: KA

Trước thực tế đó, ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM, đề xuất Sở KH&CN TPHCM cho phép hình thành một dự án hay chương trình về đổi mới công nghệ cho tổ chức KH&CN gắn với doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm, truyền thông, đào tạo giải mã các công nghệ nguồn.

hầu
Hầu hết các doanh nghiệp còn thụ động trong đổi mới công nghệ. Ảnh: KA

Trong khi đó, TS Võ Ngọc Điều, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết, Trường Đại học Bách khoa đã kết hợp giữa ba nhà Nhà nước – trường đại học – doanh nghiệp để phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trường thường xuyên có những hoạt động tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu của họ. Từ đó, xác định những vấn đề mà trường có thể cùng địa phương, doanh nghiệp hợp tác triển khai. Ông Điều cũng đề xuất, Sở KH&CN TPHCM nên thành lập một sàn giao dịch kết nối trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp, để giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp, thông qua việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ từ viện trường.

Trong lĩnh vực chuyển đổi số, ông Nguyễn Đình Tuệ (Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM), cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ chuyển đổi số là do nhận thức của lãnh đạo về tầm quan trọng của chuyển đổi số chưa đầy đủ, khi được mời tham gia các buổi tập huấn, hội thảo về vấn đề này thường cử nhân viên đi thay. Ngoài ra, các thuật ngữ chuyên môn chưa được giải thích rõ ràng, cụ thể, nên hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi số chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, ông Nguyễn Đình Tuệ đề nghị Sở KH&CN TPHCM có hướng tuyên truyền mới cụ thể, dễ tiếp cận hơn để doanh nghiệp nắm bắt và triển khai kế hoạch chuyển đối số phù hợp.