Theo Bloomberg, nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động tốt hơn kỳ vọng và trong hai năm tới sẽ khá lạc quan, với mức tăng trưởng khoảng 6 – 6,5%, cao nhất Đông Nam Á.
Bloomberg nhận định, năm 2023 nền kinh tế Việt Nam hoạt động tốt hơn dự kiến, với những dấu hiệu cho thấy sự cải thiện khi nhu cầu tiêu dùng trở lại, xuất khẩu phục hồi và đầu tư tăng mạnh.
Xu hướng xuất khẩu giảm sắc trong vài năm, cùng với sự trầm lắng của lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng đến tốc độ của nền kinh tế Việt Nam, vốn được đánh giá là phát triển nhanh nhất tại châu Á, xuống mức trung bình so với các quốc gia khác trong năm qua.
Tuy nhiên, không ai đánh giá thấp khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cách đây một tuần đã nâng hạng tín nhiệm phát hành nợ dài hạn của Việt Nam lên mức “BB+”, cho thấy tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn, có lẽ nhờ dòng vốn FDI mạnh mẽ đổ vào đất nước.
Xuất khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi sau đợt suy giảm nhu cầu toàn cầu. Hằng năm, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam gần bằng GDP của đất nước. Là một thành viên của một số hiệp định thương mại đa phương, trong năm qua, Việt Nam đã hưởng lợi từ các thỏa thuận song phương với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, và sự gia tăng quan hệ với Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Xuất khẩu đã ghi nhận tăng trưởng quý đầu tiên vào quý VI/2023, sau năm quý liên tiếp giảm. Trong khi đó, bán lẻ tăng trong quý VI/2023 cho thấy dấu hiệu nhu cầu tiêu dùng nội địa đang quay trở lại. Giá tiêu dùng năm 2023 tăng 3,25% so với một năm trước, mặc dù chậm hơn mức tăng 3,80% theo dự đoán của các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát. Đó là dấu hiệu tích cực về sức khỏe của nền kinh tế nội địa.
Vốn vào nền kinh tế cũng có dấu hiệu tốt hơn. Tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến cuối năm 2023 đã đạt khoảng 13,5%, đặc biệt nhờ các chương trình cho vay linh hoạt hơn được triển khai trong những tháng gần nhất. Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% nhằm thúc đẩy tổng cầu.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân năm 2023 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 23,18 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2019, trong khi vốn FDI cam kết rót vào Việt Nam tính đến ngày 20/12 tăng 32,1% - lên khoảng 36,6 tỷ USD.
Thủ tướng cũng đang thúc đẩy các bộ và chính quyền địa phương tăng tốc giải ngân đầu tư công như một phần của mục tiêu đưa tăng trưởng GDP trở lại mức 6 - 6,5% vào năm 2024. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế trong nước vẫn không hài lòng về tốc độ giải ngân công chậm chạp đã thành thông lệ trong nhiều năm qua.
Trong khảo sát hồi cuối tháng 12,
Bloomberg dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam hai năm tới sẽ khá lạc quan vào khoảng 6 – 6,5%, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á như Philippines (5,7 - 6%), Indonesia (5 – 5,1%), Malaysia (4,5 – 4,6%), Thái Lan (3,4 – 3,5%).
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới WB chỉ dự báo mức tăng trưởng 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025.
Trước đó vào tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự đoán GDP của Việt Nam sẽ tăng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.