Theo đánh giá của Văn phòng Đề án 844, Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn phát triển và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển thứ tư - Tích hợp (Integration).

Startup Genome (Mỹ) - một trong những công ty đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới - đã đưa ra mô hình vòng đời 4 giai đoạn cho các hệ sinh thái, gồm Kích hoạt (Activation), Toàn cầu hóa (Globalization), Thu hút (Attraction), và Tích hợp (Integration).
Mô hình vòng đời hệ sinh thái. Ảnh: Startup Genome
Mô hình vòng đời hệ sinh thái. Ảnh: Startup Genome

“Các hệ sinh thái không đồng bộ những sáng kiến [hoặc chiến lược] của mình cho phù hợp với giai đoạn vòng đời của chúng có thể rơi vào tình trạng đúng việc nhưng không đúng thời điểm, vô tính gây lãng phí thời gian, tiền bạc mà không cải thiện được hệ sinh thái”, Startup Genome cho biết.

Ở Việt Nam, lần đầu tiên có một khảo sát đánh giá mức độ phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, dựa theo mô hình của Startup Genome. Khảo sát do Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp cùng Startup Vietnam Foundation, Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP, MSD Vietnam và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững - MSD United Way Việt Nam, thực hiện trong năm nay.

Theo đánh giá của Văn phòng Đề án 844, Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn, cụ thể:

Giai đoạn Kích hoạt (2013-2016):

Trong hai năm đầu, Chính phủ đã bước đầu hình thành hành lang pháp lý về phát triển thị trường khoa học và công nghệ nhằm tạo điều kiện cho thế hệ các doanh nghiệp mới.

Năm 2013, Chính phủ cũng thí điểm một mô hình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo kinh nghiệm của Thung lũng Sillicon (Mỹ), mà kết quả hình thành nên tổ chức Vietnam Sillicon Valley (VSV) đang hoạt động tích cực ngày nay. VSV không chỉ cung cấp tài chính mà còn là cầu nối mở đường cho các startup gặp gỡ với các nhà đầu tư, chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng.

Đây cũng là giai đoạn Việt Nam đào tạo ra các “hạt giống” hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo ban đầu, điển hình thông qua Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP2).

Năm 2016, Chính phủ chính thức ban hành Đề án 844, một chương trình quốc gia nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam phát triển đến năm 2025. Mục tiêu của đề án là hoàn thiện khung pháp lý, thiết lập cổng thông tin khởi nghiệp, hỗ trợ 200-600 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 50-100 doanh nghiệp gọi vốn thành công, và thu hút đầu tư khoảng 1000-2000 tỷ đồng cho hệ sinh thái. Đề án nhấn mạnh sự phát triển gắn kết giữa các Bộ, ngành, địa phương nhằm phát triển từng thành phần của hệ sinh thái một cách đồng bộ và phát triển sự liên kết của các thành phần để hệ sinh thái bền vững. Bộ KH&CN được giao quản lý Đề án 844 này.

Ở thời điểm đó, Chính phủ có nhiều Đề án tương tự cho nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội. Do vậy, vấn đề khởi nghiệp cũng không phải nhiệm vụ đặc biệt và không có quy mô hay phạm vi ưu tiên so với các nhiệm vụ khác.

Nhìn chung hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam giai đoạn này đã chứng kiến sự ra đời của một loạt cơ sở ươm tạo (incubator) và tổ chức thúc đẩy kinh doanh (accelarator). Có khoảng 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh hình thành hoạt động, hỗ trợ một hệ sinh thái với khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp. Một số quỹ nước ngoài đã bước chân vào Việt Nam.

Giai đoạn Toàn cầu hóa (2017-2020):

Giai đoạn này xuất hiện các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhanh, cung cấp vốn rủi ro cho các doanh nghiệp mới thành lập. Các chương trình hỗ trợ khá đa dạng, có chương trình tập trung vào startup ở giai đoạn ý tưởng thành sản phẩm mẫu; cũng có chương trình tập trung vào startup ở giai đoạn hoàn thiện sản phẩm mẫu, đến bán sản phẩm ra thị trường, hoặc giai đoạn mở rộng ra toàn cầu.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời năm 2017 chính thức đề cập đến hỗ trợ khởi nghiệp và các hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các nhà đầu tư thiên thần bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.

Trong giai đoạn này, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp Việt tăng lên tới gần 3.000 công ty/dự án. Các startup nổi bật huy động được tổng nguồn vốn lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Năm 2019, Việt Nam vươn lên đứng thứ 3 trong số các quốc gia Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore, với lượng vốn đầu tư mạo hiểm tăng từ 5% năm 2018 lên 17% trong tổng vốn đầu tư cho startup ở khu vực.

Giai đoạn Thu hút (2021-2023)

Trong giai đoạn này, hệ sinh thái trên đà tăng trưởng nhưng bị chững lại vì đại dịch COVID-19. Năm 2021 ghi nhận mức đầu tư mạo hiểm kỷ lục - 1,4 tỷ USD, tuy nhiên lượng vốn tài trợ trong hai năm tiếp theo bị giảm mạnh do tác động của “mùa đông gọi vốn” trên toàn cầu.

Nhìn chung, lúc này hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã hình thành đầy đủ các thành tố chính, bao gồm: các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nhà đầu tư thiên thần; quỹ đầu tư mạo hiểm; tổ chức hỗ trợ kinh doanh; vườn ươm; công viên nghiên cứu; trường đại học; mạng lưới các huấn luyện viên/tư vấn, các cơ sở hỗ trợ nghiên cứu cà khởi nghiệp tại các trường đại học, viện nghiên cứu…

Các yếu tố tài chính, văn hoá, thị trường, nhân lực ngày càng có sự liên kết khăng khít với nhau, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và đổi mới sáng tạo.

Theo thống kê, có khoảng 3.800 công ty khởi nghiệp đang hoạt động. Cuối năm 2021, Việt Nam bổ sung thêm hai kỳ lân vào danh sách các startup có định giá thị trường hơn 1 tỷ USD là MoMo và Sky Mavis, bên cạnh hai cái tên xuất hiện trước đó là VNG (2014) và VNPay (2019).

Đến nay, số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm đã lên tới 208 và số lượng vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh cũng đạt hơn 100. Nguồn vốn trở nên dồi dào hơn và các nhà đầu tư, cố vấn, chuyên gia trong hệ sinh thái cũng tích lũy được kinh nghiệm dày dặn.

Theo WIPO, Việt Nam vào Top 50 Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và duy trì ở vị trí cao trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, chỉ sau Ấn Độ.

Trong khi đó, hai hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương nổi bật là TPHCM và Hà Nội đã có những bước thay đổi đáng kể so với nửa thập kỷ trước, và đang đứng trong Top 200 các hệ sinh thái khởi nghiệp mới nổi toàn cầu, theo đánh giá của Startup Genome.

Dù vậy, với quy mô dân số gần 100 triệu người, các chuyên gia vẫn cho rằng hai thành phố là chưa đủ và cần có nhiều hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương phát triển hơn nữa.

Hệ sinh thái ở các địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Nghệ An, Bình Dương… đang có tiềm năng phát triển và cần được chú trọng nhiều hơn.

Giai đoạn Tích hợp (sau năm 2023):

Điều gì chờ đợi ở một hệ sinh thái tích hợp? Chúng ta chưa có câu trả lời chắc chắn cho Việt Nam, nhưng có thể hình dung dựa trên những phác thảo mà các hệ sinh thái hàng đầu trên thế giới đã bày ra.

Một hệ sinh thái ở giai đoạn Tích hợp sẽ có hơn 5.000 công ty khởi nghiệp. Chúng tích hợp sâu vào nền kinh tế tri thức toàn cầu, tạo ra các mô hình kinh doanh toàn cầu và đạt được phạm vi tiếp cận thị trường toàn cầu. Đồng thời, các hệ sinh thái trong giai đoạn này cũng tạo ra giá trị khổng lồ cho nền kinh tế địa phương, ví dụ như Thung lũng Silicon, TP New York và London.

Theo gợi ý, các hệ sinh thái ở giai đoạn này nên ưu tiên liên kết sâu với các kết cấu kinh tế, xã hội và quy định của đất nước để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên quy mô lớn.