Nhiều startup Việt không thể tiến xa hơn trong quá trình gọi vốn, hay nói cách khác, chỉ một số ít startup còn tồn tại hoặc có khả năng phát triển tiếp.

Số liệu trong báo cáo “Thực trạng và tình hình phát triển của các startup tại Việt Nam” về giai đoạn gọi vốn của các startups phản ánh một thị trường khởi nghiệp đang trải qua giai đoạn tiềm năng.

Giai đoạn gọi vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2023. Ảnh: Văn phòng Đề án 844
Giai đoạn gọi vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2023. Ảnh: Văn phòng Đề án 844

Theo Báo cáo, gần một nửa số doanh nghiệp (45%) đang ở giai đoạn tiền hạt giống (Pre-seed), thể hiện sự tập trung mạnh mẽ ở giai đoạn chuẩn bị và nghiên cứu ý tưởng.

Một lượng không nhỏ (30%) doanh nghiệp đang ở giai đoạn gọi vốn hạt giống (Seed), có nghĩa là thị trường đang chứng kiến sự gia tăng về số lượng startup chuyển từ giai đoạn chuẩn bị sang giai đoạn thực hiện ý tưởng, có sản phẩm/sản phẩm mẫu.

Chỉ có 17% doanh nghiệp đang ở giai đoạn Series A. Số lượng này tụt dốc đáng kể so với giai đoạn Seed kể trên, nghĩa là có nhiều doanh nghiệp không thể tiến xa hơn trong quá trình gọi vốn, hay nói cách khác, chỉ một số ít doanh nghiệp khởi nghiệp còn tồn tại hoặc có khả năng phát triển tiếp.

Điều tương tự cũng xảy ra khi giai đoạn Series B chỉ còn 2,8% doanh nghiệp, và giai đoạn Series C, giai đoạn sau Series C cũng duy trì số lượng ở mức thấp (từ 2-4 doanh nghiệp/năm).

Nguồn tài chính doanh nghiệp huy động. Ảnh: Văn phòng Đề án 844
Nguồn tài chính doanh nghiệp huy động. Ảnh: Văn phòng Đề án 844

Về nguồn tài chính mà doanh nghiệp khởi nghiệp huy động được, đa số (94%) nói rằng họ phải tự bỏ vốn góp. Khoảng 44% cho biết họ đã thu hút được thêm các nguồn vốn từ bên ngoài như các nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm. Chỉ một số ít (17%) nói rằng họ có thể vay vốn ngân hàng.

Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ hiện nay là làm thế nào để tiếp cận đến các nhà đầu tư. Dữ liệu khảo sát cho thấy hơn một nửa (54%) startup không có kênh liên kết với nhà đầu tư, 28% doanh nghiệp thừa nhận họ chưa đủ năng lực để thuyết phục các nhà đầu tư, và 24% doanh nghiệp cảm thấy khó đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư.

Về phía nhà đầu tư, khảo sát chỉ ra, họ cũng cần xem xét lại tính minh bạch khi cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp khởi nghiệp, vì 14% startup cảm thấy bị thiếu thông tin khi tiếp cận quỹ đầu tư.

Khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận nhà đầu tư. Ảnh: Văn phòng Đề án 844
Khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận nhà đầu tư. Ảnh: Văn phòng Đề án 844

Nguồn vốn từ các quỹ và nhà đầu tư mạo hiểm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của startups. Bên cạnh vốn, giải ngân nhanh cũng là mong muốn của một số startup, cho rằng nhà đầu tư nên hoàn thành việc giải ngân chỉ trong 1 tháng. Các quỹ đầu tư kéo dài quá lâu, từ 9 đến 12 tháng, cũng bị các nhà khởi nghiệp xem là không phù hợp.

Bên cạnh đó, startup cũng mong muốn được nhà đầu tư đưa ra các phương pháp định giá minh bạch mà trong ngành đầu tư công nhận, không ép giá.

Và khi xem xét nhận vốn đầu tư, startup cũng cân nhắc các lợi ích đi kèm. Đa số mong muốn có sự đồng hành và định hướng của nhà đầu tư trong quá trình phát triển của mình. Điều này không có gì lạ, vì startup chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trong những lĩnh vực còn non trẻ, do vậy họ cần những người có khả năng hỗ trợ mạnh mẽ.


Khảo sát được thực hiện bởi Văn phòng Đề án 844, phối hợp cùng Startup Vietnam Foundation, Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP, MSD Vietnam và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững - MSD United Way Việt Nam. Kết quả dựa trên 153 startups tham gia khảo sát trong năm 2023. Đây là năm đầu tiên khảo sát được thực hiện và có thể mở rộng trong những năm tiếp theo.