Ngày 26/9, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM đã tổng kết Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM lần thứ 27 (năm 2021 - 2022) và trao giải cho các công trình ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, giúp nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, mang lại giá trị thực tế cho cộng đồng.

33 công trình đã nhận giải thưởng ở sáu lĩnh vực gồm: cơ khí - tự động hóa (5 giải), y tế (7 giải), môi trường - công nghệ hóa học (5 giải), điện tử - công nghệ thông tin (6 giải), giáo dục hướng nghiệp (3 giải), công nghệ sinh học - nông nghiệp (7 giải).

GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM cho biết, Hội thi đã tiếp nhận 145 đề tài có hàm lượng khoa học, chất lượng cao hơn so với các năm trước, với sự tham gia đông đảo của lực lượng người lao động, nhà khoa học trên địa bàn Thành phố. Các giải pháp đoạt giải đều có ý nghĩa khoa học, đáp ứng ba tiêu chí đánh giá là tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả kinh tế xã hội, có khả năng triển khai ứng dụng vào sản xuất và thương mại.

Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất (trị giá 40 triệu đồng/giải), 3 giải Nhì (32 triệu đồng/giải), 12 giải Ba (24 triệu đồng/giải), 16 giải Khuyến khích (8 triệu đồng/giải) cho các tác giả, nhóm tác giả.

Trong đó, giải Nhất ở lĩnh vực y tế thuộc về giải pháp “Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư” của nhóm tác giả Bệnh viện Ung bướu TPHCM, giúp cho bệnh nhân phục hồi chức năng nói, chức năng nuốt, giảm đau, quan trọng là giúp kéo dài thời gian sống còn cho bệnh nhân giai đoạn trễ (giai đoạn III, IV). Đến nay, Bệnh viện Ung bướu đã áp dụng phương pháp trên cho hơn 300 trường hợp.

p
BTC trao cho các tác giải đoạt giải Nhất. Ảnh: TL

Giải Nhất còn lại thuộc lĩnh vực cơ khí – tự động hóa với giải pháp “Cửa thu – thoát nước ống cống ngăn nghẹt rác và mùi hôi” của nhóm tác giả Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị TPHCM, giúp giảm tình trạng thoát nước, gây ngập úng, phát sinh mùi từ miệng cống thoát nước. Sản phẩm này đã được lắp đặt thực tế hơn 29.000 vị trí cống thu nước với 205 công trình, dự án ở TPHCM và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Ba giải Nhì thuộc về các giải pháp: “Tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với phần mềm trí tuệ nhân tạo” (nhóm tác giả Bệnh viện Mắt TPHCM); “Nghiên cứu chế tạo vật liệu màng mỏng dựa trên nền ô-xít kẽm ứng dụng chuyển hóa nhiệt thải dư thành năng lượng điện và bảo vệ môi trường” (nhóm tác giả Đại học Quốc gia TPHCM); “Quy trình kết hợp chế phẩm probiotic và vaccine, giải pháp phòng bệnh gan thận mủ và xuất huyết cho cá tra” (nhóm tác giả Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM).

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM tổ chức thường niên từ năm 1990, nhằm tìm kiếm, tôn vinh các công trình nghiên cứu khoa học sáng tạo, tính ứng dụng cao. Đồng thời, động viên, thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo trên địa bàn Thành phố.