Những người đứng đầu công ty cho rằng hoạt động kinh doanh giao đồ ăn tại Việt Nam sẽ “không bao giờ có lãi”.

d
Baemin từng gây sốt tại Việt Nam nhờ thiết kế bắt mắt và các chương trình khuyến mãi lớn. Ảnh: Baemin

Tờ Tech in Asia mới đưa tin Baemin Việt Nam, liên doanh giữa Delivery Hero và Woowa Brothers, đã bắt đầu thu hẹp quy mô hoạt động và cắt giảm nhân sự.

Bà Cao Thị Ngọc Loan, Giám đốc điều hành tạm thời của Baemin, viết trong email gửi tới nhân viên rằng quyết định thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam không phải là một quyết định dễ dàng. Bà Loan đảm nhận vị trí CEO sau khi ông Jinwoo Song từ chức vào trung tuần tháng Chín. “Thật không may, thị trường giao đồ ăn đầy thách thức ở Việt Nam, cùng mức độ cạnh tranh khốc liệt và kỳ vọng cao của người tiêu dùng, đã đẩy nhanh quyết định này.”

Hiện không rõ có bao nhiêu nhân viên ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng cắt giảm việc làm. Công ty đã ngừng hoạt động tại một số khu vực như Thái Nguyên, Hội An và Bắc Ninh.

Tech in Asia đang liên hệ với Baemin Việt Nam để yêu cầu bình luận về vấn đề này.

Tin tức này xuất hiện chỉ một ngày sau khi Foodpanda, một thương hiệu khác thuộc Delivery Hero, công bố quyết định cắt giảm nhân sự trên khắp các thị trường châu Á - Thái Bình Dương.

Delivery Hero xác nhận đang đàm phán để bán Foodpanda tại một số thị trường Đông Nam Á.

Theo Tech in Asia, việc thu hẹp quy mô hoạt động của Baemin tại Việt Nam được xem là một bước hướng tới kế hoạch rút lui hoàn toàn khỏi quốc gia này.

Niklas Östberg, đồng sáng lập và cũng là giám đốc điều hành của Delivery Hero, chia sẻ với Reuters vào tháng Tám rằng công ty đang có triển vọng tích cực tại châu Á, trừ Việt Nam, nơi ông cho rằng hoạt động kinh doanh giao đồ ăn “không bao giờ có lãi”.

Baemin hiện là một trong các đối thủ cạnh tranh với các nền tảng như Grab, Gojek và ShopperFood trong lĩnh vực giao đồ ăn tại thị trường Việt Nam. Baemin Việt Nam không cung cấp dịch vụ gọi xe.

Theo một báo cáo từ công ty phân tích Momentum Works, vào năm 2022, Baemin nắm giữ 12% thị phần giao đồ ăn, xếp sau Grab với 45% và ShopFood với 41%.