Ngày 12/10, vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Bách Khoa (Bach Khoa Innnovation) đã diễn ra tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM. Theo Ban giám khảo, hầu hết các ý tưởng dự thi đều sáng tạo và độc đáo.

Cuộc thi do Trường Đại học Bách khoa TPHCM tổ chức và năm nay lần đầu mở rộng đối tượng đến các nhóm khởi nghiệp. Tổng cộng có 91 đội thi, trong đó, bảng Sinh viên có 59 đội, bảng Học sinh THPT - 20 đội, và bảng Start-up - 12 đội. Ban giám khảo đánh giá ý tưởng dựa trên các tiêu chí như cơ hội thị trường, chiến lược tiếp cận thị trường, mô hình kinh doanh và tài chính, đội ngũ và cố vấn, trình bày.

Theo Ban giám khảo, hầu hết các ý tưởng dự thi đều sáng tạo và độc đáo. Các đội ở bảng Start-up mang đến những sản phẩm hoàn thiện, thể hiện nhiều tiềm năng phát triển về mặt kinh doanh. Trong khi đó, bảng Sinh viên và Học sinh THPT hướng đến các giải pháp như tích hợp công nghệ nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng, nhất là các nhóm yếu thế trong xã hội.

Chung cuộc, ở Bảng Sinh viên, giải Nhất - 30 triệu đồng, và 1.000 USD của Bumi Armada Berhad (công ty của Malaysia chuyên về dịch vụ dầu khí, vận tải biển, kỹ thuật và bảo dưỡng cho ngành dầu khí ngoài khơi) - thuộc về nhóm AIoT BKR (Trường Đại học Bách khoa TPHCM) với dự án Robot điều dưỡng tích hợp AIoT và điều hướng tự động.

Hai giải Nhì - 20 triệu đồng/giải, thuộc về nhóm AFTER 1224 (Trường Đại học Bách khoa TPHCM), với dự án Cafe thủy nướng; nhóm DuriPac (Trường Đại học Bách khoa TPHCM), với dự án Biến vỏ sầu riêng thành vật liệu thân thiện môi trường.

Hai giải Ba - 10 triệu đồng/giải, thuộc về nhóm THE ERAS TOUR (gồm các sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Trường Đại học Xây dựng miền Tây) với dự án Tái chế thân cây chuối thành dụng cụ có thể phân hủy sinh học; nhóm F.A.S.T (Trường Đại học Bách khoa TPHCM) với Công cụ chẩn đoán ô tô đa chức năng.

Sinh viên
Các đội trình bày dự án của mình trước Ban Giám khảo. Ảnh: BK

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao sáu giải Khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng, cho các dự án Muối ăn kiêng vị gà lá chanh; Máy kiểm tra rung động để chẩn đoán tình trạng máy móc trong ngành công nghiệp; Ứng dụng chẩn đoán đục thủy tinh thể bằng cách sử dụng thuật toán học máy; Nền tảng học tập tương tác trực tuyến; Tăng cường sắc đỏ trên da cá Koi bằng cánh hoa cúc vạn thọ; Máy bay không người lái tự hành hoạt động trong điều kiện thiếu GPS. Các dự án này đều đến từ Trường Đại học Bách khoa TPHCM.

Ở Bảng Start-up, giải Nhất - 50 triệu đồng, thuộc về nhóm Finsey với dự án Nền tảng tài chính trong lĩnh vực giáo dục cung cấp các khoản vay học phí.

Giải Nhì - 40 triệu đồng, thuộc về nhóm Porua Team với dự án Mỹ phẩm từ thiên nhiên.

Giải Ba - 30 triệu đồng, thuộc nhóm AirCity với giải pháp Neon ứng dụng công nghệ AI vào thiết bị cảnh báo cháy nổ.

Ở Bảng Học sinh, giải Nhất - 15 triệu đồng, thuộc về nhóm Cờ Gánh (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TPHCM) với dự án bộ công cụ tự học Python và Tư duy tính toán.

Giải Nhì - 10 triệu đồng, thuộc về nhóm GREEN SYNTHESIS (Trường THPT Gia Định, THCM) với dự án Tổng hợp nano bạc xanh từ chiết xuất nghệ nhằm mục đích điều trị mụn và chữa lành vết thương.

Giải Ba - 5 triệu đồng, dành cho nhóm TagEdu (Vinschool Central Park) với dự án “Con mắt thứ ba” dành cho người khiếm thị.

Ngoài giải thưởng bằng tiền mặt, các dự án đoạt giải còn nhận được gói hỗ trợ, bao gồm sử dụng Innovation Fablab (phòng thí nghiệm chế tạo sản phẩm mẫu của Trường Đại học Bách khoa TPHCM), dịch vụ tư vấn đăng ký SHTT, chuyển giao công nghệ,…

g
Đội AIoT BKRnhận giải Nhất Bảng Sinh viên. Ảnh: BK

PGS. TS Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, trong sáu mùa thi trước đây (từ năm 2018-2023), Bach Khoa Innovation đã thu hút 341 đội với hơn 1.300 học sinh, sinh viên đến từ 23 trường đại học, THPT tại TPHCM và khu vực lân cận.

Cuộc thi là sân chơi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp kiến tạo nền tảng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm khởi nghiệp cho người trẻ. Qua đó, góp phần phát triển tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho TPHCM và ươm tạo các dự án khởi nghiệp tiềm năng với các sản phẩm có thể ra thị trường như dầu thơm nano, sản phẩm vệ sinh từ chuối, màng bọc thực phẩm chiết xuất lá ổi ăn được,...

Ông Vũ cho biết thêm, theo định hướng phát triển thành đại học khởi nghiệp, Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã xây dựng Đề án “Phát triển các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Trường giai đoạn 2025-2030”, trong đó bao gồm cuộc thi Bach Khoa Innovation. Theo đó, Bach Khoa Innovation giai đoạn 2025-2030 có tầm nhìn trở thành cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Cuộc thi dự kiến mở rộng quy mô các bảng thi đấu ra đến phạm vi quốc tế, và có thêm các bảng thi đấu hợp tác với tổ chức, doanh nghiệp, đối tác. Trong các bảng thi này, tổ chức, doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước sẽ có các hoạt động đổi mới sáng tạo với nhà khoa học, startup và sinh viên trường Đại học Bách khoa TPHCM.