Ứng dụng các giải pháp cảnh báo kết hợp với nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi, biện pháp canh tác thích ứng là những hướng ưu tiên hàng đầu đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc trong công tác ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Ngày 9/10, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc nhanh và bền vững”. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm, nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị Giao ban KH&CN vùng trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XIX năm 2024.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt; Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; Sở KH&CN 14 tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc. Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh và ông Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm 1/3 diện tích lãnh thổ của cả nước, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.”

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu trong hội thảo. Ảnh: TA
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu trong hội thảo. Ảnh: TA

Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên đặt ra nhiều thách thức cho khu vực này. Do địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn nên vùng trung du và miền núi phía Bắc thường xảy ra các thiên tai như rét đậm, rét hại, sương muối, mưa đá, tố lốc, dông sét, mưa lớn, lũ quét, sạt lở bờ sông, trượt lở đất, cháy rừng, động đất, dịch bệnh... gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Chẳng hạn, cơn bão Yagi vừa qua đã khiến các tỉnh trong khu vực chịu thiệt hại nặng nề như Lào Cai chịu thiệt hại khoảng 6.600 tỷ đồng, Yên Bái khoảng 5.730 tỷ đồng, Bắc Giang khoảng 5.000 tỷ đồng”, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu và phát triển vùng (Bộ KH&CN).

Làm thế nào để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu là bài toán mà các địa phương ở vùng trung du và miền núi phía Bắc vẫn đang tìm lời giải. “Địa hình đa dạng, phức tạp, chia cắt hiểm trở khiến vùng trung du miền núi phía Bắc dễ bị tổn thương bởi thiên tai và tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu. Điều này đặt ra yêu cầu về công tác xây dựng và thực hiện các biện pháp ứng phó lên hàng đầu”, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, phát biểu.

Những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc được đưa ra tại Hội thảo đều bám sát vấn đề ứng phó với thiên tai. Trong đó, đại diện Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam chia sẻ kết quả từ cụm đề tài về lũ quét, sạt lở đất do Viện Địa chất (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đang phối hợp triển khai. Dù còn một chặng đường nữa mới hoàn thành (một số đề tài sẽ kết thúc vào năm 2025) song bước đầu, các nhà nghiên cứu đã xây dựng được các phương pháp đánh giá rủi ro và cảnh báo; các giải pháp, công trình giúp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất.

Ví dụ, về cảnh báo sớm, các nhà nghiên cứu đã xây dựng hệ thống quan trắc tại hiện trường gồm 5 module quan trắc các dạng tai biến riêng biệt (lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở khối lớn, trượt nông - lũ quét, lở đá). “Hệ thống quan trắc đã bắt đầu cho những chuỗi số liệu ban đầu và là căn cứ để cung cấp các bản tin cảnh báo sớm cho người dân trước thời điểm bão Yagi sắp ảnh hưởng (ngày 9/9/2024). Các dữ liệu này còn là số liệu quan trọng để hoàn thiện các ngưỡng cảnh báo cho từng loại hình tai biến. Kết quả thực tiễn cho thấy, mặc dù tại khu vực thử nghiệm xã Bản Rịa xuất hiện khá nhiều điểm sạt lở (62 điểm sạt lở từ tháng 4-9/2024) song người dân không bị thiệt hại về người”, theo báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trong hội thảo.

Bên cạnh ứng dụng các giải pháp cảnh báo, giúp chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, công tác nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi, biện pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được một số địa phương đề cao. Theo báo cáo của Sở KH&CN tỉnh Lai Châu, từ năm 2010 đến nay, Lai Châu đã triển khai 61 nhiệm vụ KH&CN tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiêu biểu như phục tráng thành công tám giống lúa địa phương và thử nghiệm lựa chọn được 41 giống cây trồng vật nuôi mới năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu (rét đậm, rét hại, sương muối, mưa đá, khô hạn) tại tỉnh.

“Sự thay đổi khí hậu, chẳng hạn như nhiệt độ tăng cao hơn khiến một số cây trồng hiện nay không còn phù hợp với thời tiết nắng nóng, cũng như gia tăng sâu bọ, dịch bệnh… ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc nghiên cứu các loại giống, loại phù hợp với thời tiết để biến ‘nguy thành cơ’ là nhiệm vụ hết sức quan trọng”, theo báo cáo của Sở KH&CN Lai Châu.


Hội nghị Giao ban KH&CN vùng diễn ra thường kỳ 2 năm/lần, do các tỉnh trong khu vực lần lượt tổ chức. Đây là dịp quan trọng để các Sở KH&CN địa phương trao đổi kinh nghiệm, xác định các nhiệm vụ trọng tâm của vùng trong thời gian tới, và chia sẻ những ý tưởng đổi mới sáng tạo nhằm cải thiện năng suất lao động thông qua các giải pháp KH&CN phù hợp nhất.

Với chủ đề “Pác Bó cội nguồn cách mạng – Miền núi, trung du phía Bắc giữ gìn bản sắc, hướng tới tương lai”, Hội nghị Giao ban KH&CN vùng năm nay sẽ đánh giá kết quả hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc trong giai đoạn 2022-2024, từ đó thúc đẩy hợp tác và phát triển KH&CN nội vùng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội nói chung.


Bài đăng số 1314 (số 42/2024) KH&PT