Việt Nam bắt đầu có chiến lược phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp sớm hơn nhiều nước, tuy nhiên tốc độ còn chậm, do đó khoảng cách với thế giới có xu hướng giãn ra.
Tháng 9/2014, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư 29/2014/TT-BNNPTNT chính thức công nhận cây trồng biến đổi gene trong sản xuất, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 29 trên thế giới và thứ hai tại Đông Nam Á (sau Philippines) cho phép trồng đại trà cây chuyển gene.
Trước đó, từ năm 2006, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020. Chia sẻ tại Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế” ngày 5/10, PGS. TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT, một trong hai đơn vị tổ chức Diễn đàn, đánh giá Việt Nam đi rất sớm so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Xuất phát sớm, vậy hiện tại nông nghiệp Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua ứng dụng công nghệ sinh học? Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, người đóng vai trò quan trọng trong đưa cây chuyển gene đến đồng ruộng Việt Nam, thẳng thắn nhận xét: “Điều đáng tiếc là việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nước ta còn quá chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng giãn ra và không đạt những mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đề đạt.”
Theo Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, đã có 25 giống ngô chuyển gene của năm công ty được công nhận lưu hành trong nước, trong đó có 15 giống hiện đang được nông dân canh tác. Tuy nhiên, TS. Đinh Công Chính, Phó Trưởng phòng Cây lương thực, Cây thực phẩm, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, phân tích trong 10 năm qua, diện tích ngô của Việt Nam giảm từ gần 1,2 triệu ha xuống 884.000 ha. Năng suất ngô năm 2015 đạt 44,8 tạ/ha, đến năm 2023 đạt 50,2 tạ/ha, tức là sau 10 năm đưa ngô chuyển gene vào sản xuất thì năng suất ngô mới tăng 54kg/ha. Trong khi đó, lượng ngô nhập khẩu tăng từ 7,55 triệu tấn vào năm 2015 lên 12,1 triệu tấn vào năm 2020. “Giá trị nhập khẩu ngô cao nhất chúng ta phải bỏ ra là 3,3 tỉ USD, trong khi năm xuất khẩu lúa cao nhất chỉ là 4,67 tỉ USD”, TS. Đinh Công Chính nói. “Đây là điều chúng ta hết sức cần phải bàn bởi vì ngô chuyển gene rất tốt, nhưng làm thế nào để cải thiện được năng suất chứ nếu mỗi một năm mà tăng được có nửa tạ/ha thì thấp quá.”
Công nghệ sinh học được ứng dụng trong nông nghiệp Việt Nam là nhờ những nỗ lực hoàn thiện về cơ chế, nhưng đến nay vẫn “ì ạch” cũng là do cơ chế. “Chúng ta tự đẻ ra những cơ chế chính sách làm khó mình”, TS. Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, nói. Trong đó, việc trình phê duyệt một dự án nghiên cứu lấy kinh phí từ ngân sách nhà nước mất rất nhiều thời gian. PGS. TS. Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, cho hay các dự án hợp tác quốc tế giai đoạn hiện nay cũng rất khó được phê duyệt và thực hiện, thậm chí có những đề án hợp tác quốc tế mất không dưới ba năm để được chấp nhận phê duyệt, điều này “thực sự làm các nhà khoa học nhiều khi cũng nản”.
Ngoài ra, còn thiếu cơ chế phối hợp rõ ràng giữa nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp và người sử dụng, khiến “rất nhiều nghiên cứu làm xong là cứ đút kết quả vào trong tủ”. “Nguyên Bộ trưởng có nói là chúng ta đã bị tụt hậu so với thế giới rồi, với tư duy quản lý như thế này thì chúng ta sẽ càng bị tụt hậu hơn”, TS. Nguyễn Văn Long thẳng thắn.
Mặt khác, trong khi ở nhiều nước, doanh nghiệp đóng góp đến 80% vốn đầu tư phát triển công nghệ sinh học thì ở Việt Nam, phần lớn là từ ngân sách nhà nước. Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Ninh, nguyên nhân doanh nghiệp chưa mặn mà với nghiên cứu công nghệ sinh học bởi vấn đề xử lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước theo Nghị định 70/2018/NĐ-CP. “Anh tham gia đóng góp nhưng tài sản đấy lại không được sở hữu, rồi sản phẩm nghiên cứu ra lại rất khó đưa ra phát triển sản xuất để thương mại hóa, thành ra là sự tham gia của doanh nghiệp dường như là không có, và họ không dám tham gia”, PGS. TS. Nguyễn Hữu Ninh nói.
Để khắc phục tình trạng "triển khai rất hạn chế" hiện nay, PGS. TS. Nguyễn Hữu Ninh đề xuất xác định những vấn đề trọng tâm thay vì triển khai dàn trải. Một số vấn đề được ông kiến nghị bao gồm bổ sung cơ chế đầu tư cho các phòng công nghệ sinh học trọng điểm với trang thiết bị hiện đại; xây dựng các quỹ để hỗ trợ các nhà khoa học hợp tác nghiên cứu, đặc biệt là hợp tác quốc tế để tiếp cận những công nghệ, kỹ thuật hiện đại; đào tạo ngắn hạn ở các phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ sinh học quốc tế; và xây dựng các nhóm nhiệm vụ hợp tác song phương, đa phương về công nghệ sinh học.
Một ưu tiên cấp bách khác là sớm có hành lang pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gene.Trong khi đã có nhiều nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý cho cây trồng chuyển gene (GMO) tại Việt Nam, hiện chưa có bất cứ một quy định nào về quản lý cây trồng chỉnh sửa gene. GS. TS. Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Chủ nhiệm chương trình Công nghệ sinh học Quốc gia, cho biết các văn bản pháp luật về công nghệ sinh học hiện nay vẫn coi cây trồng chỉnh sửa gene là biến đổi gene. Trong khi đó, thế giới đang chuyển trọng tâm từ công nghệ chuyển gene sang chỉnh sửa gene với ưu điểm “nhanh, rẻ, chính xác và hiệu quả”. TS. Nguyễn Duy Phương, Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp, phân tích, để tạo ra một giống cây trồng chuyển gene phải mất chi phí chừng 100 triệu USD với thời gian 15 năm. Ngược lại, để tạo ra một giống cây trồng chỉnh sửa gene chỉ mất khoảng 1 triệu USD với thời gian 3-5 năm. “Nếu những sản phẩm cây trồng chỉnh sửa gene này không bị vướng những rào cản, không bị coi như sản phẩm GMO thì sẽ rất nhanh được đưa ra thị trường”, TS. Nguyễn Duy Phương cho hay.
Trên thế giới, Mỹ đã chấp nhận cây trồng chỉnh sửa gene như cây trồng truyền thống, còn Liên minh Châu Âu đang xem xét đề nghị những sinh vật có gene chỉnh sửa trên 10 nucleotit thì xem là sinh vật biến đổi gen, còn dưới 10 nucleotit thì là không phải là GMO, PGS. TS. Nguyễn Hữu Ninh chia sẻ. Ở khu vực Đông Nam Á, Philippines (năm 2022) và Singapore và Thái Lan (tháng 8/2024) đã hoàn thiện khung pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen.
Tại Diễn đàn, bà Sonny Tababa, Giám đốc công nghệ sinh học CropLife châu Á, nhận định, Thái Lan có động thái rất nhanh như vậy bởi họ muốn duy trì vị thế trung tâm sản xuất hạt giống trong khu vực. Bà cũng nhận thấy khung pháp lý của các quốc gia Đông Nam Á khá tương đồng với nhau, giúp thúc đẩy thông thương, thương mại hóa và công nghệ giữa các nước. Vì vậy, Việt Nam cần sớm có cơ chế chính sách cho cây trồng chỉnh sửa gene để khuyến khích phát triển và bắt kịp thế giới.