Trong đó, hai giải Nhất thuộc về đề tài nui làm từ khoai mỡ có hàm lượng dinh dưỡng cao và chế phẩm chitosan từ phế liệu vỏ tôm tạo màng bao kéo dài thời gian bảo quản nông sản.
Ngày 2/12, Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ Thành đoàn phối hợp với Trường Đại học Công Thương TPHCM tổ chức chung kết và trao giải Cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch 2023.
Đây là cuộc thi nhằm giới thiệu, triển lãm những công trình nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực công nghệ chế biến sau thu hoạch. Đồng thời, tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo, sản phẩm mang tính đột phá, có khả năng áp dụng vào đời sống, để giải quyết những vấn đề hiện hữu trong ngành nông nghiệp, lương thực - thực phẩm.
Cuộc thi năm nay được tổ chức ở 2 bảng. Bảng A là các đề tài, giải pháp công nghệ trong chế biến. Bảng B là các đề tài, giải pháp công nghệ trong bảo quản. Cuộc thi đã thu hút 57 đội từ các trường đại học, cao đẳng khu vực phía Nam, với hơn 213 thí sinh tham gia.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 6 giải Khuyến khích và 1 giải đề tài được bình chọn nhiều nhất.
Trong đó, hai đề tài “Nui khoai mỡ bổ sung protein thực vật” (bảng A) và “Chế phẩm chitosan được thu nhận với sự hỗ trợ của dung môi DES và sóng siêu âm” (bảng B) nhận giải Nhất.
Khoai mỡ là giống khoai có nguồn năng lượng, giàu đạm, chất xơ, chất chống oxy hóa anthocyanins, axit béo, natri, sắt, canxi, vitamin A, B6, C, không chứa cholesterol,… Khoai mỡ ngoài việc là loại thực phẩm ngon thì có có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, giúp giảm cân nặng, béo phì, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, tốt cho người mắc bệnh về xương khớp, cải thiện bệnh hen suyễn, tốt cho hệ tiêu hóa,…
Được xem là một trong những loại nông sản chủ lực của nông nghiệp, nhưng hiện khoai mỡ chủ yếu được dùng tươi, công nghệ chế biến từ khoai mỡ còn hạn chế, chưa đa dạng sản phẩm từ khoai mỡ. Với mong muốn tận dụng nguồn nông sản tại Việt Nam để tạo ra những sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã tạo ra sản phẩm nui khoai mỡ.
Nguyên liệu chính được nhóm sinh viên sử dụng là bột khoai mỡ, bột gạo, protein thực vật (đậu nành). Các nguyên liệu trên được phối trộn, nhào bột và ép đùn, tạo hình sản phẩm, sau đó sấy khô thu thành phẩm.
Ở đề tài “Chế phẩm chitosan được thu nhận với sự hỗ trợ của dung môi DES và sóng siêu âm”, nhóm sinh viên Trường ĐH Công Thương TPHCM đã tận dụng phế liệu từ vỏ tôm, tạo ra sản phẩm chitosan.
Vỏ tôm được xử lý sạch, nghiền thành bột, chiết xuất bằng dung môi DES (eutectic) và sóng siêu âm, thu được bột chitosan. Hòa tan chế phẩm chitosan để tạo màng bao, kéo dài thời gian bảo quản cho một số loại nông sản như xoài, chuối,…
Theo nhóm tác giả, đã có nhiều nghiên cứu thu nhận chitosan, chủ yếu là dùng phương pháp vô có hóa, sử dụng axit và kiềm mạnh. Phương pháp này tạo chất thải gây ô nhiễm môi trường. Hiện chưa có nghiên cứu nào trong nước về thu nhận chitosan bằng bằng dung môi DES, kết hợp sóng siêu âm. Dung môi DES có khả năng thu hồi để tái sử dụng và phân hủy sinh học, kết hợp dùng sóng siêu âm, nên hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Giải Nhì được trao cho đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất bột chất nhầy từ Sâm Bố Chính”, (nhóm tác giả Trường ĐH Công TPHCM); “Ứng dụng CaCl2, KMnO4 trong việc kéo dài thời gian bảo quản và chất lượng trái đu đủ sau thu hoạch” (tác giả Nguyễn Hoàng Phúc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM).
Hai giải Ba thuộc về đề tài "Tối ưu hóa điều kiện chiết hàm lượng catechin, phenolic tổng từ hạt điều bằng phương pháp hỗ trợ enzyme, siêu âm và sản xuất bột khô sấy phun” (nhóm tác giả Trường ĐH Quốc tế TPHCM); “Nghiên cứu sinh tổng hợp Cellulose vi khuẩn từ tinh bột khoai mài kết hợp nano bạc ứng dụng làm màng bảo quản thực phẩm” (nhóm tác giả Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM).
Các giải Khuyến khích gồm: “Bánh Gạo Prebiotic” (Trường ĐH Công Thương TPHCM); Nghiên cứu phương pháp làm giàu tinh bột kháng từ hạt mít bằng vi sóng và ứng dụng trong sản xuất bánh biscotti từ tinh bột hạt mít” (Trường ĐH Công thương THCM); “Nghiên cứu sản xuất bột hòa tan và bột diệp lục từ lá hẹ” (Trường ĐH Công thương TPHCM); “Phát triển sản phẩm trà nhàu hòa tan” (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành); “Nghiên cứu các thông số tối ưu nâng cao chất lượng thạch nước mía” (Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai); “Màng tinh bột oxy hóa-chitosan: Đánh giá các tính chất hóa lý, cơ lý và khả năng làm chậm quá trình trình chín quả” (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM).
Giải Sản phẩm được bình chọn nhiều nhất thuộc về đề tài “Nano Silver - Dung dịch nano diệt vi khuẩn và nấm gây bệnh cho cây trồng” (Trường ĐH Công Thương TPHCM)