Một cuộc kiểm tra quốc tế đối với các bài đăng của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cho thấy gần một nửa trong số đó chứa những thông tin không chính xác. Như vậy, cần hết sức thận trọng khi dựa vào mạng xã hội để xin tư vấn về chế độ ăn và thông tin dinh dưỡng.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Hoạt động Thể chất và Dinh dưỡng (IPAN) của Đại học Deakin đã xem xét gần 700 bài đăng trên Instagram từ những người có ảnh hưởng và thương hiệu có hơn 100.000 người theo dõi và phát hiện 45% số bài đăng chứa thông tin dinh dưỡng không chính xác. Phát hiện của họ được đăng trên Tạp chí Quốc tế về Dinh dưỡng Hành vi và Hoạt động Thể chất.

Nghiên cứu cũng phát hiện 9/10 bài đăng có chất lượng thấp khi xét tới các yếu tố như trình độ chuyên môn của tác giả, cơ sở bằng chứng của thông tin, quảng cáo và lợi ích thương mại.

Các nhà nghiên cứu cho biết dinh dưỡng là một chủ đề được thảo luận phổ biến trên mạng xã hội và đôi lúc chất lượng và độ chính xác của những thông tin này là điều đáng lo ngại.

Lời khuyên về dinh dưỡng trên các mạng xã hội hầu như không đáng tin cậy. Nguồn: Unsplash
Lời khuyên về dinh dưỡng trên các mạng xã hội hầu như không đáng tin cậy. Nguồn: Unsplash

Người chủ trì nghiên cứu và đang trong giai đoạn cuối bảo vệ tiến sĩ tại IPAN Emily Denniss cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên đo lường chất lượng và độ chính xác của thông tin dinh dưỡng trên Instagram, phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng đây không phải lúc nào cũng là một nguồn thông tin về dinh dưỡng đáng tin cậy”.

Nghiên cứu cũng phát hiện các tài khoản thương hiệu (chẳng hạn công ty bán thực phẩm bổ sung, dịch vụ theo dõi các chương trình trực tiếp và kế hoạch bữa ăn) cung cấp thông tin kém chính xác và chất lượng thấp nhất, đồng thời thông tin về thực phẩm bổ sung hầu như không chính xác.

Thông tin chính xác nhất và có chất lượng cao là do các chuyên gia dinh dưỡng và thực phẩm đưa ra.

Tác giả cho biết thứ chúng ta ăn tác động lớn tới sức khỏe của mình, và có nhiều người sử dụng Instagram cùng các nền tảng mạng xã hội khác để tìm thông tin về chế độ ăn.

Phát hiện từ nghiên cứu này sẽ giúp nhiều người cân nhắc kỹ hơn trước khi đưa ra quyết định dựa trên thông tin mà họ tìm thấy trên Instagram, cảnh giác khi thương hiệu hay người có ảnh hưởng rao bán sản phẩm. Đồng thời tìm tới các chuyên gia dinh dưỡng và chế độ ăn để xin tư vấn, thay vì người tạo ảnh hưởng hoặc thương hiệu.

Những lời khuyên tệ nhất bao gồm:

- Các bài đăng khuyên cha mẹ rằng gan là thực phẩm đầu tiên phù hợp cho trẻ sơ sinh, thế nhưng gan sẽ khiến trẻ gặp nguy cơ hấp thụ vitamin A ở mức độ độc hại.

- Các bài đăng tuyên bố rằng thực phẩm bổ sung có thể “tăng cường khả năng miễn dịch”, trong khi chúng là một lựa chọn thay thế tốn kém cho một chế độ ăn lành mạnh.

Những lời khuyên tốt nhất bao gồm:

- Các chuyên gia dinh dưỡng và chế độ ăn đăng bài về những lợi ích khi ăn nhiều thực vật hơn như trái cây, rau củ, các loại đậu, quả hạch và hạt, cũng như tầm quan trọng của nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật đối với sức khỏe đường tiêu hóa và sức khỏe tổng thể. Điều này phù hợp với Hướng dẫn chế độ ăn uống của Úc và các nghiên cứu gần đây.

Nguồn: