Bạn vừa ăn một bữa no nê, tưởng chừng không thể ăn thêm một miếng nào nữa. Nhưng khi món tráng miệng được mang qua trước mặt, lạ thay, bạn cảm thấy cơn đói quay lại. Tại sao nhìn thấy đồ ngọt lại khiến dạ dày bạn trở nên rỗng hơn một cách kỳ diệu vậy?
Theo các nhà khoa học tại Đại học Buffalo, New York, Mỹ, câu trả lời nằm ở sự đa dạng. Ta dừng ăn một phần vì đã chán món đó, ăn xong rồi thì không còn sự kích thích nào nữa vì đã biết mùi vị của nó. Nhưng nếu một mùi hay vị mới xuất hiện, hoặc thậm chí là thức ăn có kết cấu (texture) mới, thì ta dễ vượt qua cảm giác no hơn.
Hiện tượng này được gọi là cảm giác no đặc trưng của giác quan. Đó là khi một người thấy bớt hứng thú với một món ăn vì đã ăn món này nhiều lần, trong khi một loại thức ăn mới sẽ hấp dẫn hơn.
Ví dụ, trong một thử nghiệm năm 2011, 32 phụ nữ được chỉ định ăn món mỳ trộn phô mai 5 lần một tuần, hoặc một lần mỗi tuần trong vòng 5 tuần. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người được chỉ định ăn món đó hằng ngày thì ăn nó ít hơn so với những người được chỉ định ăn nó mỗi tuần 1 lần.
Trong một nghiên cứu khác vào năm 2013, các nhà khoa học này chia 31 trẻ em thành 3 nhóm. Một nhóm ăn một món mỳ trộn phô mai giống nhau trong 5 ngày, một nhóm được cho ăn món mỳ phô mai từ 5 hãng khác nhau, và nhóm cuối cùng được cho ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng như cánh gà và burger phô mai.
Trẻ em trong nhóm có các lựa chọn đa dạng ăn nhiều hơn hẳn những đứa trẻ được cho ăn mỳ trộn phô mai. Kết quả này cũng giống như khi ta được đưa cho món tráng miệng sau một bữa ăn mặn, hay khi bạn đi ăn buffet với nhiều món khác nhau. Nếu các món mới được đưa ra thì chúng ta lại tiếp tục ăn cho đến khi không thể ăn thêm được nữa. Đó là một trong những lí do chúng ta thường ăn nhiều hơn cần thiết.
Một số chuyên gia cho rằng ham muốn thức ăn đa dạng là một sự thích nghi về tiến hóa, nhằm giúp ta có được các loại dinh dưỡng cần thiết như vitamin và đạm từ nhiều nhóm thực phẩm khác nhau. Về lâu dài, ta cần phối hợp các loại dinh dưỡng khác nhau. Nhưng điều này trở nên phản tác dụng khi ta có thể tiếp cận nhiều loại thức ăn giàu calo với khẩu phần lớn. Sự đa dạng kích thích việc tiêu thụ quá mức, vì thế có thể góp phần gây béo phì.
Khi chúng ta ăn món tráng miệng nhiều đường, dopamine - chất trong não liên quan đến cảm giác thỏa mãn và tưởng thưởng - sẽ tăng vọt. Nếu món tráng miệng là một phần thường xuyên trong chế độ ăn hằng ngày của bạn thì lượng dopamine được giải phóng chuyển từ sau khi ăn sang lúc biết trước sắp được ăn. Đây là yếu tố tạo nên cảm giác thèm ăn và dễ khiến bạn lấy miếng bánh ngọt vào cuối bữa.
Nếu muốn giảm thói quen ăn vặt sau bữa tối, bạn có thể sử dụng một số cách để lợi dụng cảm giác no đặc trưng của giác quan. Điều bạn cần làm là để sẵn nhiều loại thức ăn lành mạnh, ít calo, nhiều chất dinh dưỡng mà bạn thích, như vậy khi thèm, bạn có nhiều loại đồ ăn tốt để chọn.
Nguồn:
Hiếu Ngân