Cho đến nay, thành phần của sữa mẹ và ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe em bé vẫn là điều bí ẩn.

Carles Lerin ở Bệnh viện Nhi Sant Joan de Déu Barcelona nghiên cứu sữa mẹ với mong muốn tìm ra những cách mới để điều trị và ngăn ngừa bệnh béo phì ở trẻ em. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, trẻ uống sữa công thức có nguy cơ béo phì cao hơn, và Lerin tự hỏi liệu một số thành phần nhất định trong sữa mẹ có phải nguyên nhân đằng sau sự khác biệt này không.

Cùng hai đồng nghiệp khác, Lerin đã phân tích một nghiên cứu trên 34 cặp mẹ-con ở Oklahoma, Mỹ. Tất cả những đứa trẻ này được bú sữa mẹ hoàn toàn, và nghiên cứu đã lưu trữ các mẫu sữa mẹ cũng như dữ liệu chi tiết về sự phát triển và sức khỏe của trẻ trong giai đoạn sơ sinh. Cuối cùng, nhóm của Lerin phát hiện một chất nổi bật: betaine - chất mà khi ở mức độ thấp sẽ gây ra tình trạng phát triển quá mức hoặc béo phì.


Giảm béo phì ở chuột

Để xác định liệu betaine có thực sự kiểm soát sự phát triển ở trẻ sơ sinh hay không, Lerin và các đồng nghiệp thử nghiệm trên chuột. Những con chuột mẹ vừa sinh con được chỉ định ngẫu nhiên vào nhóm có chế độ ăn bình thường hoặc nhóm có chế độ ăn bổ sung betaine (chất này sẽ truyền vào sữa của chuột mẹ).

Mới đây, nhóm của Lerin công bố trên tạp chí Science Translational Medicine rằng, những chuột con uống sữa giàu betaine có trọng lượng nhẹ hơn một chút so với những chuột con trong nhóm đối chứng, và sự khác biệt này kéo dài đến tuổi trưởng thành. Vào khoảng 6 tháng tuổi, những chuột con được uống sữa bổ sung betaine có trọng lượng nhẹ hơn khoảng 10% so với những con trong nhóm đối chứng.

Hiệu quả này còn rõ ràng hơn ở chuột con có chuột mẹ béo phì. Cũng giống như ở trẻ sơ sinh, chuột con được sinh ra từ những bà mẹ béo phì có nguy cơ thừa cân cao hơn. Vì vậy, phát hiện này cho thấy, bổ sung betaine có thể trở nên đặc biệt hữu ích đối với những trường hợp như vậy.

Khi các nhà nghiên cứu tìm cách lý giải tại sao betaine giúp cải thiện quá trình trao đổi chất, họ đã phát hiện, ở chuột con, chất này dẫn đến sự gia tăng tạm thời một vi khuẩn đường ruột có lợi, được gọi là Akkerrmansia. Một thử nghiệm với 109 trẻ sơ sinh và bà mẹ ở Valencia, Tây Ban Nha, đã củng cố mối liên hệ giữa betaine trong sữa mẹ và Akkerrmansia trong ruột trẻ sơ sinh: nếu sữa mẹ có nhiều betaine, mẫu phân của trẻ 12 tháng tuổi sẽ có nhiều Akkerrmansia hơn. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác đã chỉ ra mức độ Akkermansia thấp ở người liên quan đến bệnh béo phì và các tình trạng trao đổi chất khác.

E.A. Quinn, nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Washington ở St. Louis, người nghiên cứu về thành phần sữa mẹ, đặt câu hỏi, liệu tác dụng kích thích Akkermansia của betaine có phải cũng là nguyên nhân đằng sau lợi ích của chế độ ăn Địa Trung Hải, vốn gồm nhiều loại ngũ cốc giàu betaine, chẳng hạn như quinoa. Mặc dù betaine có thể ngăn ngừa béo phì ở chuột trưởng thành nhưng một thử nghiệm nhỏ năm 2018 bổ sung betaine cho những người béo phì bị tiền tiểu đường thì không cho thấy nhiều lợi ích.

Tác động trên người?

Đối với Lerin, câu hỏi quan trọng là liệu tác động ở chuột sơ sinh có đồng nhất với tác động ở trẻ sơ sinh không.

Gần đây, Lerin bắt đầu một thử nghiệm lâm sàng nhỏ trên người. Thử nghiệm tuyển chọn 50 bà mẹ thừa cân hoặc béo phì và đang cho con bú, và chia ngẫu nhiên 50 bà mẹ này vào nhóm bổ sung betaine hoặc nhóm giả dược, nhằm theo dõi việc bổ sung betaine vào chế độ ăn của mẹ ảnh hưởng thế nào đến tình trạng béo phì ở trẻ sơ sinh.

Mặc dù Lerin không khuyến nghị các bà mẹ mới sinh nên sử dụng thực phẩm bổ sung betaine, nhưng “tôi khuyên bạn nên ăn ngũ cốc nguyên hạt và quinoa,” Lerin nói. Chế độ ăn này không có nhược điểm gì, kể cả khi betaine tỏ ra kém hiệu quả hơn những gì Lerin kỳ vọng.

Một câu hỏi khác đặt ra là làm thế nào để hỗ trợ trẻ bú sữa công thức. Theo Lerin, có thể thêm betaine vào sữa công thức, nhưng để thử nghiệm hiệu quả của cách làm này thì cần điều chỉnh trực tiếp chế độ ăn của trẻ chứ không phải của bà mẹ. Điều này phức tạp hơn về mặt đạo đức và hậu cần, và có thể sẽ phải đợi cho đến khi các thử nghiệm lâm sàng ở người hiện nay về betaine chứng minh được hiệu quả.

Nguồn: