Một nghiên cứu mới trên các cặp song sinh cho thấy cách nuôi dạy con cái khắc nghiệt có liên quan đến các vấn đề về hành vi ở trẻ em, chứ không phải do di truyền.
Nghiên cứu mới này đăng trên ấn phẩm tháng 3 năm 2021 của tờ Psychological Science.
Kết quả cho thấy giữa những đứa trẻ song sinh giống hệt nhau, có gen hoàn toàn trùng khớp, nhưng cha mẹ nuôi dạy theo những cách khác nhau, những đứa trẻ bị đánh đòn hoặc la mắng nhiều hơn thường thể hiện hành vi chống đối xã hội hơn.
“Các nghiên cứu về tác động của trừng phạt thân thể đã khiến Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị rằng: không nên trừng phạt thể xác, và nhiều quốc gia đã cấm trừng phạt thể chất đối với trẻ em, bao gồm cả đánh đòn”, Elizabeth Gershoff, giáo sư phát triển con người và khoa học gia đình tại Đại học Texas ở Austin, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. "Đây là nghiên cứu mới nhất cho thấy hình phạt khắc nghiệt có thể làm gia tăng các vấn đề về hành vi ở trẻ em, chứ không có tác dụng hạn chế các hành vi này".
Hình minh họa. Nguồn: CC0 Public Domain
Hàng chục nghiên cứu đã xác nhận rằng việc cha mẹ sử dụng hình phạt khắc nghiệt, đặc biệt là trừng phạt thân thể như đánh đòn, có liên quan đến nhiều hệ quả tiêu cực cho con cái, đặc biệt là gia tăng các vấn đề về hành vi hung hăng, ngang ngược hoặc chống đối xã hội. Lần này, thông qua các cặp song sinh, nhóm Gershoff kiểm tra một lập luận phản bác rằng di truyền mới là nguyên nhân, chứ không phải hình phạt của cha mẹ. Lập luận phản bác này cho rằng những bậc cha mẹ có xu hướng hành vi thô bạo và hung hăng sẽ đẻ ra con có vấn đề hành vi vì chúng được di truyền các gen liên quan đến sự hung hăng và hành động ngang ngược.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan State, Đại học Michigan và UT Austin đã nghiên cứu 1.030 cặp song sinh, trong đó 426 cặp sinh đôi giống hệt nhau về mặt di truyền, và nhiều cặp có cha mẹ đối xử khác nhau với mỗi đứa trẻ trong cặp song sinh. Nghiên cứu phát hiện ra rằng ở những đứa trẻ bị cha mẹ trừng phạt nghiêm khắc có sự gia tăng có thể dự đoán được về hành vi phạm pháp và hung hăng, so với anh chị em sinh đôi ít bị trừng phạt hơn.
"Thiết kế nghiên cứu này đặc biệt hữu ích trong trường hợp các cặp song sinh đơn hợp tử (thường được gọi là giống hệt nhau) vì chúng chia sẻ 100% gen. Vì phát hiện cho thấy bất kỳ sự khác biệt nào giữa chúng đều có nguồn gốc từ môi trường [chứ không phải từ di truyền]", giáo sư tâm lý học Alexandra Burt, tác giả chính tại Đại học Bang Michigan, cho biết. "Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào về mặt di truyền. Trong một cặp song sinh, giữa đứa trẻ bình thường và đứa trẻ bị nuôi dạy khắc nghiệt có sự khác biệt có thể dự đoán được về hành vi chống đối xã hội, ngay cả hai đứa trẻ chia sẻ 100% gen".
Nguồn:
https://medicalxpress.com/news/2021-03-twin-physical-child-behavior-problems.html
Phạm Nhật theo medicalxpress