Một thuật toán học máy có khả năng dự đoán nguy cơ tự tử được phát triển tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (VUMC), Tennessee, Mỹ gần đây đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Trong suốt thời gian thử nghiệm kéo dài 11 tháng liên tiếp, kết thúc vào tháng 4 năm 2020, thuật toán "âm thầm" đưa ra các dự đoán về nguy cơ tự tử với các bệnh nhân tại VUMC. Thuật toán, được đặt tên là mô hình Vanderbilt Suicide Attempt and Ideation Likel (VSAIL), sử dụng thông tin thường quy từ hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) để tính toán nguy cơ bệnh nhân thực hiện hành vi tự tử và rộng hơn là ý định tự tử.

Tự tử đã gia tăng ở Mỹ trong thời gian một thế hệ vừa qua. Ước tính, cứ 100.000 người Mỹ thì có 14 người tự tử mỗi năm, trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 10 ở quốc gia này, và khoảng 8,5% các nỗ lực tự tử dẫn đến cái chết.


Colin Walsh và các đồng nghiệp tại VUMC phát triển và đưa thuật toán VSAIL vào thử nghiệm với hy vọng có thể triển khai lâm sàng công cụ này để hỗ trợ hiệu quả hơn cho các bệnh nhân có nguy cơ hoặc ý định tự tử. Nghiên cứu của họ được đăng tải trên JAMA Network Open.

Thuật toán phân bệnh nhân thành tám nhóm theo điểm số rủi ro tự tử. Kết quả, cứ 23 người trong nhóm mà thuật toán coi là có nguy cơ cao thì có 1 người nói rằng có ý định tự tử, và cứ 271 người thì có 1 người thực hiện hành vi tự tử.

“Ở VUMC, chúng tôi không thể sàng lọc bệnh nhân theo nguy cơ tự tử mỗi lần thăm khám”, Walsh, giáo sư về Tin học Y sinh, Y học và Tâm thần học, cho biết. "Một số bệnh nhân không bao giờ được sàng lọc nguy cơ tự tử, bất chấp việc họ có các yếu tố nguy cơ cao. Mô hình dự đoán này là bước đầu tiên trong quá trình sàng lọc đó, nhằm chỉ ra bệnh nhân nào nên được đưa vào các bước kiểm tra kỹ hơn".

Trong cuộc thử nghiệm kéo dài 11 tháng, khoảng 78.000 bệnh nhân là người lớn đã được khám tại bệnh viện, phòng cấp cứu và phòng khám phẫu thuật thuộc VUMC. Theo EHR, 395 người trong số này cho biết đã có ý định tự tử và 85 người đã sống sót qua ít nhất một lần cố gắng tự tử, và 23 trong số người sống sót tiếp tục cố gắng tự tử.

“Cứ 271 người được thuật toán xếp vào nhóm có nguy cơ tự tử cao nhất, thì có 1 người phải nhập viện điều trị vì cố gắng tự tử", Walsh nói. "Tỉ lệ dự đoán này ngang bằng với những tỉ lệ cần thiết để tầm soát các vấn đề như cholesterol bất thường và một số bệnh ung thư. Chúng tôi có thể hỏi hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn người về suy nghĩ tự tử để sàng lọc, nhưng không thể hỏi được hàng triệu người đến thăm VUMC mỗi năm - và không phải tất cả bệnh nhân đều cần được hỏi. Kết quả của chúng tôi cho thấy trí tuệ nhân tạo có thể giúp ích như một bước sàng lọc ban đầu, hướng các nguồn lực y tế hạn chế đến các bệnh nhân cần nhất".

Nguồn: