Norovirus là những con virút khét tiếng, gây nôn mửa và tiêu chảy cấp. Chưa hết, chúng lại có khả năng lây lan rất nhanh qua những chuyến hải hành hay các sự kiện cộng đồng. Nhưng chính xác thì loại mầm bệnh này xâm nhập cơ thể như thế nào?
Một nghiên cứu mới đây đã đem đến câu trả lời với kết quả khá bất ngờ.
Khi khảo nghiệm sự nhiễm trùng norovirus trên cơ thể chuột, các nhà khoa học đã phát hiện thấy loại vi rút này đã làm nhiễm độc một số tế bào cụ thể trong ruột – được gọi là tuft, với những phần nhô ra khỏi bề mặt giống như sợi lông. Điểm đặc biệt là tuft khá hiếm, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng số tế bào có trong đường ruột.
Bác sĩ Craig Wilen, giảng dạy bệnh lý và miễn dịch học tại Trường Y khoa - Đại học Washington, đồng thời là trưởng nhóm của nghiên cứu trên, cho biết: “Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy loại virút này gây nhiễm độc đối với một số tế bào rất hiếm gặp, nhưng ngay cả khi chỉ rất ít tế bào bị ảnh hưởng thì sự lây nhiễm cũng đã rất mạnh mẽ và lan truyền dễ dàng”. Ví dụ như trên cơ thể một con chuột, có khoảng 100 tế bào bị nhiễm độc, ít hơn hẳn so với những loại virus khác như cúm.”
Bởi vì nghiên cứu được tiến hành trên chuột, cho nên các nhà khoa học vẫn cần phải kiểm chứng đối với người. Nếu như kết quả trùng khớp, nhóm sẽ đề xuất sử dụng thuốc hay vắc xin, nhắm tới các tế bào tuft để giúp điều trị hay phòng ngừa bệnh.
Kết quả này cũng đã được công bố trên Tạp chí Science vào hôm 12/04/2018.
Sự lây nhiễm chết người
Hầu hết người nhiễm norovirus thường hồi phục sau 1 – 3 ngày, theo Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhất là tại các quốc gia đang phát triển, loại virút này có thể gây chết người. Cũng theo ước tính, mỗi năm có tới gần 200.000 người trên khắp thế giới chết vì norovirus, và chủ yếu là tại các nước nghèo. Ngoài ra, sự lây nhiễm ký sinh trùng – vốn rất phổ biến ở những nơi có điều kiện vệ sinh thiếu thốn – còn khiến cho tình trạng nhiễm độc notovirus trở nên tồi tệ hơn. Và những phát hiện mới có thể giúp lý giải về mối liên hệ này.
Tế bào tuft được xem là có thể giúp phát hiện tình trạng nhiễm độc bên trong cơ thể do ký sinh trùng gây ra, và bản thân chúng cũng lại sản sinh kháng thể chống lại ký sinh trùng. Tuy nhiên, điều nghịch lý ở đây là loại kháng thể này dường như lại có lợi cho norovirus, giúp chúng tái tạo hiệu quả hơn, nhờ vào số lượng tế bào tuft tăng nhanh tới 5 – 10 lần.
Nghiên cứu trên cũng giúp giải thích tại sao nhiều người thường phải tìm cách loại bỏ hoàn toàn norovirus sau khi đã hồi phục khỏi các triệu chứng. Khi norovirus xâm nhập vào các tế bào tuft, chúng có thể lẩn trốn hiệu quả trước sự truy lùng của hệ thống miễn dịch, điều này khiến cho việc loại bỏ chúng rất khó khăn, các nhà nghiên cứu cho biết.
Những chủ thể khỏe mạnh nhưng mang trong mình norovirus có vẻ ngoài trông không mấy ốm yếu, song vẫn rất dễ lây nhiễm và trở thành nguồn bùng phát dịch bệnh.
Cuối cùng, nghiên cứu trên đã làm dấy lên một câu hỏi “Liệu những người bị nhiễm norovirus kinh niên và những người đang phải tiếp tục tìm cách loại bỏ loại virut này suốt một thời gian dài sau khi nhiễm độc có nguy cơ trên không? Bởi vì notovirus vẫn duy trì sự ẩn ấp trong các tế bào tuft”, Wilen cho biết. “Trong trường hợp đó, việc điều trị nhắm vào tế bào tuft có lẽ sẽ là một chiến lược quan trọng.”