Một phụ nữ tại Nga đã chết sau khi truyền dịch qua tĩnh mạch. Các bác sĩ bị nghi là đã sử dụng dung dịch có chứa formaldehyde thay vì khoáng chất, theo như báo chí cho biết.

Formaldehyde đôi khi được sử dụng như một phần trong công đoạn ướp xác giúp bảo quản tử thi. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu người sống bị tiêm chất này?

Người phụ nữ Nga chết vì bị truyền formalin, có chứa formaldehyde thay vì khoáng chất. Ảnh: Shuterstock

Người phụ nữ Nga chết vì bị truyền formalin, có chứa formaldehyde thay vì khoáng chất. Ảnh: Shuterstock

Ekaterina Fedyaeva, người phụ nữ xấu số 27 tuổi, đang trải qua một lộ trình phẫu thuật, khi bác sĩ sử dụng nhầm formalin – một dung dịch chứa formaldehyde – trong túi dịch truyền, theo The Sun. Sau đó, cô ấy đã trải qua đau đớn, co giật, trước khi hôn mê, rồi chết. Đám tang của cô đã diễn ra vào hôm 07/04.

Những trường hợp tử vong vì chẳng may bị tiêm phải formaldehyde là rất hiếm, theo bác sĩ Christopher Hoyte – nhà độc học tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Colorado, người không liên quan tới ca bệnh của Fedyaeva. Thêm nữa, từ lâu các bác sĩ vốn đã biết formaldehyde có khả năng gây hại đối với người sống.

Nếu bị tiêm vào cơ thể, formaldehyde có thể làm phá hủy hồng cầu, dẫn đến tình trạng máu bị nhiễm độc axit. Hiệu ứng trên xảy ra do formaldehyde bị oxy hóa (tiến trình biproduct) sẽ sinh ra axit formic.

Hiện tượng máu nhiễm axit có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe, bao gồm rối loạn chức năng nội tạng, bởi vì cơ thể không thể hoạt động bình thường nếu có quá nhiều axit trong máu, Hoyte cho biết.

Bác sĩ Lewis Nelson – Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Rutgers ở New Jersey, người cũng không liên quan đến vụ Fedyaeva – cho biết formalin nếu ở trong cơ thể người sống sẽ “cực kỳ nguy hiểm đối với các mô, và phá hủy chức năng của hầu hết nội tạng. Trong trường hợp này, cái chết của người phụ nữ là điều hoàn toàn có thể tiên đoán được”, Nelson nói.

Điều này quả thật buồn vì con người hoàn toàn có khả năng sống sót nếu bị tiêm formaldehyde, Hoyte cho biết. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào liều lượng. Và cũng bởi những tình huống như vậy là quá hiếm hoi, cho nên các bác sĩ thực sự rất khó phân biệt liều lượng, bao nhiêu là làm chết người và bao nhiêu thì không gây nguy hiểm.

Năm 2009, các bác sĩ Ba Lan ghi nhận trường hợp một người đàn ông 33 tuổi đã sống sót sau khi bị tiêm nhầm formaldehyde trong lúc truyền dịch, thay vì chất kháng sinh. Các bác sĩ đã tiêm cho ông này 400 miligram dung dịch chứa formaldehyde 4%. Theo báo cáo khác, một người đàn ông đã chết khi bị tiêm 30 ml dung dịch chứa formaldehyde 37% - Hoyte cho biết.

Các bệnh viện thường có chính sách tại chỗ nhằm ngăn ngừa những sai sót như vậy xảy ra. Chẳng hạn, các chuyên gia y tế thường rà soát để đảm bảo đúng loại thuốc trước khi cung cấp, hay như khâu kiểm tra thuốc thường cần ít nhất 2 người trước khi được đem ra sử dụng, Hoyte nói.

Nelson thắc mắc là làm sao lại có formalin trong túi truyền dịch. “Dung dịch này hay được giữ trong phòng mổ, trong các thùng nhỏ, dùng để bảo quản các mô trước khi được phân tích bệnh học.”

Trong trường hợp xảy ra sự cố, các bác sĩ cũng có thể nỗ lực cứu mạng bệnh nhân bằng một số cách. Trong đó có việc sử dụng phép thẩm tách để loại bỏ độc tố khỏi máu, hay kiểm soát lượng axit folic để giúp cơ thể chuyển hóa formaldehyde sang những dạng chất khác ít độc hơn – Hoyte cho biết.

Theo The Sun, một cuộc điều tra hình sự về cái chết của cô Fedyaeva đang được cảnh sát Nga tiến hành.