Một nghiên cứu quy mô lớn cho thấy những người từng nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc các chứng rối loạn tâm thần kinh cao hơn đáng kể so với người chưa từng nhiễm.

Nghiên cứu này phân tích hồ sơ sức khỏe điện tử của gần 154.000 cựu chiến binh từng nhiễm COVID-19 và 5,8 triệu người chưa từng nhiễm (nhóm đối chứng). Đây là dữ liệu trong hệ thống y tế của Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ (VA).

Kết quả, một năm sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân COVID-19 có khả năng được chẩn đoán mắc bất kỳ rối loạn tâm thần kinh nào cao hơn 46% so với nhóm đối chứng.

Các rối loạn tâm thần kinh bao gồm trầm cảm, nghĩ đến tự tử, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn sử dụng opioid và suy giảm nhận thức thần kinh hoặc “sương mù não” (một dạng rối loạn chức năng nhận thức, gây khó chịu về tinh thần, chẳng hạn như mệt mỏi mãn tính, kém tập trung hoặc thiếu minh mẫn). Đáng lo ngại hơn, những người nhập viện vì nhiễm COVID-19 có nguy cơ phát triển rối loạn tâm thần kinh cao hơn 343% so với nhóm đối chứng, trong khi bệnh nhân ngoại trú có nguy cơ cao hơn 40%.

Nguy cơ mắc chứng sương mù não ở nhóm nhiễm COVID-19 cao hơn 80% so với nhóm đối chứng. Nguy cơ phải sử dụng các đơn thuốc opioid, benzodiazepine như Valium, thuốc chống trầm cảm hoặc một loại thuốc điều trị tâm thần kinh khác cao hơn 86%.

Kết quả được công bố ngày 16/2 trên tạp chí The BMJ.

Nhiễm COVID-19 làm tăng nguy cơ các rối loạn tâm thần kinh một năm sau khi khỏi bệnh.

Vẫn chưa rõ cơ chế COVID-19 gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần và các nguyên nhân đằng sau tình trạng số ca bệnh tâm thần kinh gia tăng sau khi nhiễm COVID-19. Ví dụ, bệnh nhân sau khi khỏi bệnh có thể chú ý đến sức khỏe hơn và thường xuyên thăm khám hơn so với nhóm đối chứng, do đó cơ sở dữ liệu sẽ ghi nhận nhiều ca bệnh hơn. Nhóm tác giả thừa nhận vấn đề này.

Nghiên cứu mới cũng có hạn chế về mẫu khảo sát - 71% đến 76% là người da trắng, 90% là nam giới và độ tuổi trung bình là 63. Đây là nhóm đối tượng cựu chiến binh, không thể khái quát hóa cho dân số nói chung, theo Sung-Min Cho, nhà nghiên cứu thần kinh học tại Trường Y Đại học Johns Hopkins, người từng nghiên cứu các biểu hiện tâm thần kinh của COVID kéo dài.

Tuy nhiên các phát hiện đến nay là đủ để cho thấy cần dành nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh, Paul Harrison, nhà tâm thần học và thần kinh học tại Đại học Oxford, nói.

Trước đó, dựa trên cùng một bộ dữ liệu,nhóm tác giả đã công bố một nghiên cứu cho thấy một năm sau khi khỏi COVID-19, nguy cơ mắc 20 bệnh về tim và mạch tăng lên đáng kể.

Nguồn: