Dữ liệu mới cho thấy ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm làm giảm phản ứng miễn dịch với vaccine, đặc biệt là ở nam giới trẻ tuổi.
Phản ứng miễn dịch của con người với vaccine là khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, giới tính sinh học và sức khỏe tổng quát. Các nghiên cứu trước đây cũng đã gợi ý rằng thời lượng giấc ngủ có thể đóng một vai trò nào đó – mặc dù kết quả của các nghiên cứu vẫn chưa nhất quán.
Để có bức tranh tổng thể về giấc ngủ và vaccine, Tiến sĩ Karine Spiegel thuộc Viện Sức khỏe và Y học Quốc gia Pháp và các đồng nghiệp đã phân tích lại kết quả của bảy nghiên cứu liên quan đến các vaccine phòng bệnh do virus gây ra - gồm vaccine cúm, vaccine viêm gan A và B. Họ so sánh phản ứng kháng thể của những người ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm, mức khuyến nghị cho người trưởng thành khỏe mạnh, và những người ngủ ít hơn 6 tiếng.
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology đã tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ rằng ngủ ít hơn 6 tiếng làm giảm phản ứng miễn dịch đối với vaccine ở nam giới. Tác động này ở phụ nữ có phạm vi biến động lớn, tùy từng cá nhân, có thể là do mức độ hormone giới tính khác nhau.
“Từ các nghiên cứu về miễn dịch học, chúng tôi biết rằng hormone giới tính ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Có nghĩa là ở phụ nữ, khả năng miễn dịch bị ảnh hưởng bởi tình trạng của chu kỳ kinh nguyệt, việc sử dụng biện pháp tránh thai, và việc đã trải qua thời kỳ mãn kinh hay chưa. Nhưng thật không may, đối với nghiên cứu này, không có nghiên cứu nào được tổng hợp bao gồm bất kỳ dữ liệu nào về mức độ hormone giới tính," Spiegel cho biết.
Khi tính đến cả hai giới tính, ảnh hưởng của giấc ngủ ngắn có thể so sánh với việc suy giảm phản ứng miễn dịch do vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech mang lại ở thời điểm hai tháng sau khi tiêm.
Họ cũng phát hiện ra rằng tác động này ở lứa tuổi 18 đến 60 lớn hơn so với ở nhóm cao tuổi hơn.
Tác giả nghiên cứu cấp cao Eve Van Cauter, giáo sư danh dự tại Đại học Chicago, cho biết: “Giấc ngủ ngon không chỉ khuếch đại mà còn có thể kéo dài thời gian bảo vệ của vaccine".
“Đến nay, các yếu tố được cho là ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của vaccine Covid-19 gồm bệnh nền - người mắc bệnh nền từ trước sẽ ít được bảo vệ hơn; giới tính - đàn ông ít được bảo vệ hơn phụ nữ; cân nặng - người béo phì ít được bảo vệ hơn người không béo phì; và giấc ngủ", Van Cauter nói. Trong khi tất cả những yếu tố còn lại không thể thay đổi, chúng ta có thể thay đổi giấc ngủ của mình.
Tuy nhiên, Spiegel nhấn mạnh, cần có nhiều nghiên cứu hơn để định lượng chính xác thời gian ngủ cần thiết - và để giải mã vai trò của hormone giới tính trong phản ứng tiêm chủng - trước khi có thể đưa ra những hướng dẫn chính xác.
Nguồn:
Công Nhất theo theguardian