Bị chẩn đoán mắc ung thư là một điều khủng khiếp với mọi lứa tuổi, nhưng điều khiến các nhà dịch tễ học đặc biệt quan tâm là tỷ lệ người trẻ được chẩn đoán ung thư thời gian gần đây có chiều hướng tăng rõ rệt.

Ung thư là loại bệnh do sự tích lũy các đột biến di truyền gây nên, do vậy tuổi tác vẫn là yếu tố rủi ro lớn nhất. Song một đánh giá vào năm ngoái về số liệu ung thư toàn cầu trong 3 thập niên cho thấy từ những năm 1990 trở đi, ngày càng nhiều người trưởng thành dưới 50 tuổi mắc ung thư.

Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Singapore đã phân tích số liệu gần đây hơn, nhất là ở Mỹ, và kết quả của họ cũng tương tự như những thay đổi quan sát được ở các nước.

Theo nghiên cứu, các loại ung thư ở người trẻ khác hẳn với các loại ung thư ảnh hưởng tới cùng một bộ phận cơ thể ở người già. Các khác biệt này ảnh hưởng tới lựa chọn điều trị, vì thế cần tìm hiểu loại ung thư nào đang xuất hiện ở đối tượng già hay trẻ và gây ảnh hưởng ra sao.

Ở nhiều quốc gia, tỉ lệ ung thư ở thanh niên tăng có thể do một loạt các nguyên nhân: thay đổi trong chế độ ăn, lối sống, thói quen ngủ, hay tình trạng béo phì, sử dụng kháng sinh và ô nhiễm không khí tăng.

Khó có thể tách bạch các xu hướng này vì các chương trình sàng lọc ung thư đang phát hiện nhiều trường hợp hơn, thường là phát hiện sớm, trong khi các chương trình vắc-xin cũng giúp ngăn ngừa ung thư.

Dân số mắc ung thư đang ngày cảng trẻ hóa. Ảnh: selimaksan
Dân số mắc ung thư đang ngày cảng trẻ hóa. Ảnh: selimaksan

Các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Singapore đã xác định được 562.145 bệnh nhân trong độ tuổi từ 0-49 từ 17 cơ sở dữ liệu liên kết với nhau, ghi nhậncác ca mắc ung thư mới trên toàn nước Mỹ. Họ sử dụng số liệu này để ước tính tỷ lệ mắc mới trên toàn dân số trong thập niên 2010-2019. Tỷ lệ mắc mới là số ca mới được chẩn đoán trong một nhóm dân số qua một quãng thời gian.

Nhìn chung, tỷ lệ mắc mới của các loại bệnh ung thư ở độ tuổi dưới 50 tăng lên, số ca trên 100.000 dân trong năm 2019 nhiều hơn 3 ca so với con số của năm 2010.

Xem xét từng nhóm tuổi cụ thể (0-19 tuổi, 20-29 tuổi, 30-39 tuổi, hay 40-49 tuổi), tỉ lệ mắc các loại ung thư khác nhau trở nên rõ ràng hơn.

Trong số các loại ung thư khởi phát sớm, các loại ung thư đường tiêu hóa có tỉ lệ mắc tăng nhanh nhất ở nhóm người dưới 50 tuổi (tăng 14,80%; từ 6.431 lên 7.383 ca). Ung thư ruột là loại phổ biến nhất ở người trẻ vào năm 2019 (tăng 9,64%, từ 705 lên 773 ca). Các loại ung thư khác cũng tăng nhanh trong thập niên trên: ung thư ruột thừa (tăng 251,89%; từ 185 lên 651 ca), ống mật (tăng 142,22%; từ 45 lên 109 ca), và tuyến tụy (tăng 18,21%; từ 593 lên 701 ca).

Những người thường được cho là đang tràn đầy nhựa sống, ở độ tuổi 30 - 39, thì lại đang bị ung thư nhiều hơn, tỷ lệ phần trăm thay đổi hằng năm (APC) là 0,91%. Trong khi đó, tỉ lệ ung thư ở người già lại ổn định hoặc đang giảm xuống: những người trong độ tuổi 50-59 có APC là −0.48%; tuổi 60-69 là −0,75%; tuổi70-79 là −1,01%; còn 80 tuổi trở lên là −1,16%.

Tình trạng gia tăng ung thư đường tiêu hóa phản ánh kết quả của tổng kết quốc tế năm 2022, các số liệu mới đây từ Úc, cùng các nghiên cứu khác trên nhiều châu lục. Chế độ ăn có nhiều thực phẩm chế biến siêu chế biến có thể là một nguyên nhân gây ra điều này.

Tất nhiên, do chỉ dựa vào số liệu có sẵn nên các kết quả này không thể đưa ra bức tranh tổng thể. Các nhà nghiên cứu cho rằng cần diễn giải các kết quả này một cách thận trọng, vì có thể thiếu số liệu chẩn đoán từ các nhóm dân cư ít được chăm sóc.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open.

Theo GLOBOCAN 2020, xét theo khu vực Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á, với mọi loại ung thư ở cả hai giới tính, ước tính theo độ tuổi dưới 50, thì Việt Nam có tỷ lệ mắc mới 57,6 trên 100.000 người, đứng thứ năm trong khu vực. Còn tỷ lệ tử vong là 30,2 trên 100.000 người, cao nhất trong khu vực.

Nguồn: