Trong những tháng nóng kỷ lục vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều ca tử vong liên quan tới nhiệt độ tăng cao. Vậy, điều gì xảy ra với cơ thể chúng ta khi nóng quá?

Hàng trăm triệu người trên khắp thế giới đang phải sống với nhiệt độ cao chưa từng có, tháng 7 vừa qua đã trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử hành tinh. Một nghiên cứu kéo dài 20 năm cho biết mỗi năm trên toàn cầu có hơn 5 triệu người tử vong vì thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng – và các ca tử vong liên quan tới nhiệt độ cao đang ngày càng tăng. Vậy nhiệt ảnh hưởng tới cơ thể như thế nào?

Say nắng là khi cơ thể đang tích tụ một lượng nhiệt lớn hơn khả năng giải phóng. Tùy vào độ nóng, các triệu chứng có thể gồm từ thấy khó chịu cho đến tử vong.

Nhiệt độ tối ưu bên trong để cơ thể hoạt động thoải mái là khoảng 36,8°C. Tuy có khác nhau đôi chút ở mỗi người, nhưng nhiệt độ lõi của cơ thể cần được giữ ở một phạm vi hẹp (36-37°C) để bảo vệ các bộ phận và để tế bào hoạt động tối ưu.

Khi cơ thể quá nóng, mạch máu trong da giãn ra và tiết mồ hôi. Mồ hồi bốc hơi làm mát bề mặt da và giải phóng nhiệt trong lõi, nhờ thế mà cơ thể chúng ta hạ hỏa. Tuy nhiên, độ ẩm cao có thể ngăn quá trình làm mát tự nhiên này.

Chỉ số nhiệt là thước đo kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm không khí, khi chỉ số này vượt quá 32,2°C, nguy cơ về sức khỏe liên quan đến nhiệt bắt đầu tăng.

Một số triệu chứng đầu tiên mà bạn gặp phải sẽ là chuột rút cơ bắp khắp nơi trên cơ thể. Tiếp theo là kiệt sức vì nhiệt - đây là tình trạng nghiêm trọng hơn, xảy ra khi cơ thể không thể giải phóng lượng nhiệt dư thừa. Các dấu hiệu gồm:

- Mệt

- Đau đầu

- Choáng váng

- Buồn nôn

- Khô miệng

- Nôn mửa

Các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người, và chúng ta rất dễ bỏ qua chúng. Do vậy, mỗi người cần nâng cao nhận thức về vấn đề này để bảo vệ bản thân.

Nhiệt độ quá nóng sẽ gây tổn hại tới cơ thể chúng ta. Ảnh: Keith Negley
Nhiệt độ quá nóng sẽ gây tổn hại tới cơ thể chúng ta. Ảnh: Keith Negley

Ở bên trong cơ thể, lượng nhiệt dư thừa sẽ gây tác động mạnh. Tim sẽ phải đập nhanh để dồn máu tới da nhằm giải phóng nhiệt. Để giảm lượng nhiệt do cơ bắp tạo ra, cơ thể sẽ trở nên uể oải và chuyển động chậm hơn. Bạn cũng sẽ tăng nhịp thở vì cơ thể đòi hỏi nhiều ôxy.

Bạn không còn đi tiểu nhiều nữa vì cơ thể cần giữ lại nhiều chất lỏng nhất có thể. Tuy nhiên, một lượng lớn chất lỏng có thể bị mất do toát mồ hôi nhiều hơn, và dễ xảy ra tình trạng mất nước (người trẻ tuổi khỏe mạnh có thể mất hơn 2 lít mỗi giờ).

Lượng máu chảy tới đường tiêu hóa và thận giảm đi, nếu kéo dài có thể gây tổn hại các bộ phận này.

Say nắng là tình trạng nguy hiểm nhất liên quan đến nhiệt. Khi nhiệt độ cơ thể lên tới 39,4°C hoặc cao hơn, các bộ phận như não, tim, dạ dày và thận sẽ bị tổn hại.

Một người bị say nắng có thể trải qua các thay đổi bất ngờ về chức năng nhận thức và trạng thái tinh thần, ví dụ như rối trí, ảo giác và co giật. Họ còn có thể bị ngất, hoặc nghiêm trọng hơn là trụy tim.

Người say nắng cần làm mát khẩn cấp. Khi phải lựa chọn giữa việc đưa nạn nhân tới bệnh viện hay làm mát trước, hãy luôn ưu tiên việc giảm nhiệt. Nạn nhân càng ở trong tình trạng nhiệt độ cơ thể cao thì các ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương như nội độc tố máu sẽ tiếp tục diễn ra.

Nội độc tố máu xuất hiện khi cơ thể trở nên quá nóng khiến ruột bị đói máu và ôxy, và chức năng rào cản của ruột bắt đầu bị phá vỡ. Hệ quả là vi khuẩn từ đường tiêu hóa có thể xâm nhập vào đường máu. Điều này có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong, và ngay cả những người sống sót cũng sẽ phải chịu nhiều biến chứng lâu dài.

Nguồn: