Một số một số hành vi thường ngày của trẻ em, như thói quen mút tay, cắn môi dưới, đẩy lưỡi, thở bằng miệng, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh lệch khớp cắn.

Lệch khớp cắn (malocclusion) là bệnh thường gặp ở trẻ em. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 79% trẻ em Trung Quốc bị lệch khớp cắn; trong khi đó, một nghiên cứu khác cho thấy gần 50% học sinh Ấn Độ gặp tình trạng này.


Biểu hiện của lệch khớp cắn là tình trạng sai lệch giữa các răng trong cùng một hàm hoặc giữa hàm trên và hàm dưới. Bị lệch khớp cắn có thể làm giảm chức năng nhai của trẻ, dẫn đến một số bệnh răng miệng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt và cản trở chức năng nói.


Có ba tình trạng lệch khớp cắn cơ bản bao gồm lệch khớp cắn loại I, loại II và loại III. Lệch khớp cắn loại I là tình trạng các răng hàm dưới có tương quan gần - xa bình thường so với hàm trên nhưng có sự lệch lạc của các răng riêng lẻ trong hàm. Lệch khớp cắn loại II là tình trạng răng cửa hàm trên chìa ra ngoài hoặc nghiêng vào trong. Lệch khớp cắn loại III là tình trạng hàm dưới chìa ra trước so với hàm trên.


Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng lệch khớp cắn có thể do cả yếu tố di truyền và môi trường gây ra. Trong đó, các thói quen xấu về răng miệng là một minh họa nổi bật về cách các hành vi thường ngày của trẻ em có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tình trạng lệch khớp cắn.


Ở Việt Nam, một nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Y Dược Thái Bình đã tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu tỷ lệ bị lệch khớp cắn ở trẻ em và mối tương quan giữa một số thói quen răng miệng không lành mạnh với tình trạng này.


Nghiên cứu khảo sát 873 học sinh ở độ tuổi từ 9-10 tại sáu trường tiểu học ở Thái Bình, gồm hai trường ở thành thị, hai trường ở nông thôn và hai trường ở ven biển.


Kết quả cho thấy, 60,7% số học sinh được khảo sát bị lệch khớp cắn; trong đó số trường hợp lệch khớp cắn loại I chiếm 19%, lệch khớp cắn loại II chiếm 31%, và lệch khớp cắn loại III chiếm gần 11%.


Bên cạnh đó, nghiên cứu đã chứng minh rõ ràng mối tương quan giữa một số thói quen răng miệng xấu phổ biến nhất ở trẻ em (mút tay, cắn môi dưới, đẩy lưỡi, thở bằng miệng) và tình trạng lệch khớp cắn - kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu trước đây. Cụ thể, những học sinh có thói quen mút ngón tay có nguy cơ mắc lệch khớp loại I và loại II cao gấp ba lần so với những học sinh không có thói quen này. Thói quen cắn môi dưới làm tăng khả năng mắc lệch khớp loại II gấp bốn lần và loại III gấp bảy lần. Đối với các học sinh có thói quen đẩy lưỡi, khả năng mắc lệch khớp loại I sẽ tăng năm lần và loại III tăng sáu lần.


Mút ngón tay có mối tương quan với tình trạng lệch khớp cắn ở trẻ. Nguồn: INT

Ngoài ra, trong độ tuổi từ 9-10, các em trải qua giai đoạn răng hỗn hợp, chuyển từ răng sữa sang răng vĩnh viễn, vì vậy, nhóm kết hợp khảo sát cả mối liên quan giữa mất răng sữa sớm và tình trạng lệch khớp cắn. Theo đó, việc mất răng sữa số 5 ở hàm trên sớm có thể dẫn đến các răng bên cạnh mọc lệch - một nguyên nhân đặc trưng gây ra tình trạng sai khớp cắn loại II. Tương tự, việc mất răng sữa số 5 ở hàm dưới sớm dẫn đến tình trạng lệch khớp cắn loại III.


Từ việc chỉ ra mối tương quan giữa thói quen vệ sinh răng miệng kém, mất răng sữa sớm với tình trạng sai khớp cắn, nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng trong môi trường học đường để góp phần giảm tình trạng lệch khớp cắn ở học sinh. Tuy nhiên, nhóm tác giả thừa nhận rằng, nghiên cứu được thực hiện ở một tỉnh và điều này có thể hạn chế khả năng khái quát hóa các phát hiện sang các tỉnh khác hoặc các bối cảnh khác. Bên cạnh đó, thông tin về các yếu tố như tình trạng dinh dưỡng, chế độ ăn uống hoặc các đặc điểm kinh tế xã hội của gia đình chưa được đề cập trong nghiên cứu. Nhóm tác giả đề xuất cần tiến hành các nghiên cứu tiếp theo để kiểm tra mối quan hệ giữa các yếu tố này và tình trạng lệch khớp cắn.

Nghiên cứu đã được công bố trên ScienceDirect gần đây.


Nguồn:


https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2212426824000071