Chảy máu sau sinh và tiền sản giật nặng có nhiều khả năng xảy ra hơn ở những phụ nữ mang thai hộ so với thụ thai tự nhiên hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.
Việc sử dụng người mang thai hộ đã bùng nổ trong những năm gần đây, thể hiện qua số liệu từ Anh và xứ Wales với số yêu cầu chuyển giao quyền làm cha mẹ hợp pháp từ người mang thai sang người khác tăng từ 117 vào năm 2011 lên 413 vào năm 2020.
Một nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ Canada cho thấy người mang thai hộ có nhiều khả năng gặp phải các biến chứng bao gồm xuất huyết sau sinh nghiêm trọng và tiền sản giật hơn so với những phụ nữ thụ thai tự nhiên hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Trẻ sơ sinh có nhiều khả năng sinh non hơn ở người mang thai hộ, mặc dù nguy cơ biến chứng nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh không thay đổi.
Các chuyên gia cho biết những phát hiện này làm nổi bật nhu cầu cải thiện việc chăm sóc trước khi sinh cho người mang thai hộ và việc đặt ra các tiêu chí, quy định nghiêm ngặt đối với những phụ nữ muốn đảm nhận vai trò này.
Tác giả đầu của nghiên cứu - Tiến sĩ Maria Velez ở Đại học McGill,Canada - cho biết điều quan trọng là phải tư vấn cho các bậc cha mẹ tương lai và người mang thai hộ về các biến chứng tiềm ẩn.
"Những biến chứng đó rất nghiêm trọng đối với [người mang thai hộ]", bà nói.
Viết trên tạp chí Annals of Internal Medicine, Velez và các đồng nghiệp báo cáo cách họ sử dụng cơ sở dữ liệu Better Outcomes Registry & Network (BORN) để khám phá sự xuất hiện của các biến chứng trong số hơn 863 nghìn ca sinh đơn tại Ontario, Canada, từ năm 2012 đến năm 2021.
Trong số những ca sinh này, nhóm nghiên cứu cho biết, 806 ca là trẻ sinh ra từ người mang thai hộ - người mang thai nhận phôi từ cha mẹ tương lai, hơn 846 nghìn ca là kết quả của việc thụ thai tự nhiên và hơn 16 nghìn ca liên quan đến IVF.
Nhóm nghiên cứu phát hiện tỷ lệ biến chứng sức khỏe nghiêm trọng ở bà mẹ là 7,8% đối với người mang thai hộ; 2,3% trong nhóm thụ thai tự nhiên; và 4,3% đối với IVF.
Và theo nhóm nghiên cứu, mặc dù những người mang thai hộ có nhiều khả năng có một số đặc điểm nhất định, bao gồm đã từng sinh con trước đó, sống ở khu vực có thu nhập thấp, béo phì và huyết áp cao, nhưng những yếu tố như vậy không giải thích đầy đủ cho nguy cơ biến chứng cao hơn.
Sau khi đã tính toán để loại trừ các yếu tố tuổi tác, mức thu nhập, số lần sinh trước đó, béo phì, hút thuốc và huyết áp cao, nhóm nghiên cứu phát hiện nguy cơ xuất huyết sau sinh nghiêm trọng vẫn cao hơn 2,9 lần ở những người mang thai hộ so với những phụ nữ mang thai tự nhiên. Trong khi nguy cơ sinh con trước 37 tuần cao hơn 1,79 lần. Những rủi ro này ở phụ nữ mang thai hộ cũng cao hơn phụ nữ mang thai IVF, mặc dù mức độ chênh lệch thấp hơn.
"Có thể có những cơ chế khác, bao gồm cả cơ chế miễn dịch, liên quan đến những nguy cơ cao hơn này [đối với người mang thai hộ]," Velez nói.
Jackie Leach Scully - giáo sư về đạo đức sinh học tại Đại học New South Wales, người không tham gia vào nghiên cứu, lưu ý rằng nghiên cứu có những hạn chế, chẳng hạn, chỉ bao gồm một nhóm nhỏ người mang thai hộ và những phụ nữ này có thể đã sinh con khỏe mạnh trước đó mà không gặp vấn đề sức khỏe nào.
"Tuy nhiên, điều mà bài báo này nhấn mạnh là chúng ta thực sự biết tương đối ít về những rủi ro cụ thể gây đối với phụ nữ mang thai hộ hoặc em bé trong quá trình được mang thai hộ", Scully chỉ ra. Bà nói thêm rằng mặc dù người mang thai hộ lý tưởng nhất là phải khỏe mạnh và có nguy cơ biến chứng thấp, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra trong thực tế.
"Điều này đặt ra một số câu hỏi về đạo đức, trước hết là về nguy cơ lạm dụng những phụ nữ mang thai hộ và họ đang thực sự chịu rủi ro của việc mang thai thay cho người khác".
“Thứ hai, sự thiếu hụt dữ liệu chính xác về rủi ro và kết quả của việc mang thai hộ thực sự khiến chúng ta phải tự hỏi sức khỏe của phụ nữ, trái ngược với sức khỏe của thai nhi hoặc em bé, được coi trọng như thế nào. Sự bỏ bê sức khỏe của phụ nữ trong lịch sử y học đã được công nhận rộng rãi và có thể trở nên trầm trọng hơn trong tình huống mang thai hộ, nơi vai trò của người mang thai hộ bị che khuất về mặt xã hội," Scully nói.
Nguồn: