Dụng cụ mở nắp chai, cục tẩy gắn trên bút chì hay chiếc áo ngực dành cho phụ nữ vốn là những sáng chế tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại đem về nguồn thu khổng lồ cho cha đẻ của những sáng chế này.

Sau nhiều năm ra đời, chúng vẫn hiện diện phổ biến trong cuộc sống hằng ngày bất chấp việc nhiều sáng chế có quy mô lớn hơn đã biến mất.

Nắp chai và dụng cụ mở nắp chai


Dụng cụ này do kỹ sư người Mỹ William Painter (1838-1906) sáng chế lần lượt vào các năm 1892 và 1894. Nhờ các sản phẩm này, cuộc đời của Painter đã chuyển từ một kỹ sư thành ông chủ của Công ty Crown Cork and Seal Company ở thành phố Baltimore, Mỹ. Ngay trong 5 năm đầu kinh doanh các sáng chế của mình, Painter đã dễ dàng bỏ túi 27.000USD nhờ sản xuất nắp và dụng cụ mở nắp chai, giúp ông nhanh chóng bước vào hàng ngũ các triệu phú của Mỹ.

Tôngđơ cắt tóc


Sau khi Leo J. Wahl (1893–1957) sáng chế ra chiếc tôngđơ vào năm 1919, Công ty Wahl đã được lập ra và đến cuối năm 1920 bán được hơn 1.000 dụng cụ cắt tóc trên khắp nước Mỹ. Lợi nhuận thu về đủ lớn để Wahl sau đó mua lại toàn bộ cổ phần của công ty và đổi tên thành Tập đoàn Wahl Clipper. Vào năm 1960, doanh thu của tập đoàn tôngđơ cắt tóc này đã đạt tới 3 triệu USD. Hiện sản phẩm của hãng Wahl vẫn đang được phân phối tại 165 nước trên thế giới.

Cần gạt nước ôtô


Do kỹ sư người Mỹ Robert William Kearns (1927–2005) sáng chế và thử nghiệm lần đầu trên chiếc xe Ford Galaxie năm 1962. Loại cần gạt nước này có thể hoạt động với hai chế độ phù hợp với điều kiện mưa lớn và mưa nhỏ. Từ năm 1969 đến nay, hầu hết các xe hơi trên thế giới đều sử dụng sáng chế này. Thế nhưng, nhiều hãng xe đã khai thác không phép khiến Kearns phải đấu tranh để bảo vệ độc quyền sáng chế và đòi lại được hơn 20 triệu USD tiền bồi thường từ các hãng xe.

Nắp lật trên cổ chai


Cùng thời với Painter, Charles de Quillfeld ở Mỹ cũng giàu lên nhờ sáng chế ra loại nắp chai có thể lật mà không cần dụng cụ mở như của Painter. Ý tưởng này được cấp bằng độc quyền sáng chế vào tháng 1/1875. Chính De Quillfeld thừa nhận rằng, với sáng chế này ông đã thu về 15 triệu USD. Hiện nay nhiều hãng bia và nước ngọt vẫn khai thác sáng chế của Quillfeld và chai có gắn loại nắp lật này có thể tái sử dụng dễ dàng hơn so với loại nắp chai của Painter.

Băng keo


Do Richard Gurley Drew (1899–1980) sáng chế vào năm 1925. Ngay sau sáng chế này, Drew được bổ nhiệm làm giám đốc kỹ thuật tại phòng thí nghiệm để tiếp tục phát triển các nghiên cứu về băng keo của mình. Sản phẩm của Drew đã tạo nền tảng để đưa 3M - công ty nơi anh làm việc - phát triển nhanh chóng và ngày nay vẫn đóng vai trò là một trong những nhà sản xuất băng keo hàng đầu trên thế giới.

Áo ngực


Đây là sản phẩm của nhà nữ sáng chế người Mỹ Mary Phelps Jacob (1891–1970), được cấp bằng sáng chế vào tháng 2/1914. Sau đó, sáng chế này được bán cho nhà sản xuất áo ngực Warner Brothers với giá 1.500USD (tương đương với 21.000USD hiện nay). Sáng chế áo ngực vừa tôn vẻ đẹp của phụ nữ khắp thế giới vừa giúp cho hãng Warner Brothers kiếm được hơn 15 triệu USD mỗi năm trong thời gian dài.

Lưỡi dao cạo râu


Thiết bị cạo râu mỏng, nhỏ và an toàn như hiện nay do King Camp Gillette (1855–1932) sáng chế và được cấp bằng sáng chế vào năm 1901. Đến năm 1905, Gillette đã bán được số lượng dao cạo khổng lồ với 267.577 chiếc, đút túi 145 triệu USD. Trong suốt thời kỳ Thế chiến I, ông còn có khoản thu lớn hơn khi cung cấp 3,5 triệu dao cạo với 36 triệu chiếc lưỡi cho quân đội Mỹ, giúp Gillette trở thành một người giàu có.

Đầu tẩy trên bút chì


Năm 1858, Hymen Lipman nhận bằng độc quyền sáng chế cho loại bút chì có gắn đầu tẩy bằng caosu. Sản phẩm “hai trong một” này nhanh chóng thu hút sự chú ý của hãng sản xuất Joseph Reckendorfer và được Lipman bán cho hãng này với giá 100.000 USD (tương đương với khoảng 2 triệu USD ngày nay). Tuy nhiên, đến năm 1875, sản phẩm được tòa án phán quyết lại không phải là một sáng chế độc lập mà chỉ như một dạng kiểu dáng công nghiệp.