Bài viết “Ngăn làm giàu trái phép từ văn hóa dân gian” trên báo Khoa học và Phát triển số 947 nhận được phản hồi tốt từ phía độc giả, kèm theo băn khoăn về việc Việt Nam có quy định nào về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ối với các tác phẩm văn hóa dân gian hay không.

Thực tế, một số điều khoản trong Luật SHTT, Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, Nghị định số 85/2011/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2006/NĐ-CP có quy định về việc sử dụng và bảo hộ các tác phẩm văn hóa dân gian.

Lợn ráy - một tác phẩm nổi tiếng thuộc dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Lợn ráy - một tác phẩm nổi tiếng thuộc dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Cụ thể, điều 23 Luật SHTT quy định về quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học - nghệ thuật dân gian.

Theo khoản 1 (điều 23), tác phẩm văn học - nghệ thuật dân gian gồm: Truyện, thơ, câu đố; điệu hát, làn điệu âm nhạc; điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi; sản phẩm nghệ thuật đồ hoạ, hội hoạ, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức vật chất nào.

Theo khoản 2 (điều 23), tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm văn học - nghệ thuật dân gian phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó (tức chỉ ra địa danh của cộng đồng cư dân nơi tác phẩm được hình thành) và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm.


Nghị định số 85/2011/NĐ-CP có quy định cụ thể về những loại hình nghệ thuật dân gian được bảo hộ, gồm: Các loại hình nghệ thuật ngôn từ như truyện tiếu lâm, ngụ ngôn, sử thi, thần thoại, truyền thuyết, giai thoại, thơ, ca dao, tục ngữ, câu đố và các hình thức thể hiện tương tự khác; các loại hình nghệ thuật biểu diễn như tuồng, chèo, cải lương, điệu hát, làn điệu âm nhạc, điệu múa, vở diễn, trò chơi dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian và các hình thức thể hiện tương tự khác; các loại hình nghệ thuật tạo hình như đồ họa, hội họa, điêu khắc, nhạc cụ; hình mẫu kiến trúc và các hình thức thể hiện tương tự khác.

Điều 20 của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định về việc sử dụng tác phẩm văn học - nghệ thuật dân gian. Theo đó, tác phẩm văn học - nghệ thuật dân gian gồm truyện, thơ, câu đố, điệu hát, làn điệu âm nhạc, điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi được bảo hộ không phụ thuộc vào việc định hình.

Sử dụng tác phẩm văn học - nghệ thuật dân gian là việc nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm; người sử dụng phải thoả thuận về việc trả thù lao cho người lưu giữ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian và được hưởng quyền tác giả đối với phần nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu của mình.