Việc khó xác định ai là chủ nhân - về mặt pháp lý - của các tài sản trí tuệ thuộc lĩnh vực văn hóa dân gian khiến cho nhiều cộng đồng, dân tộc gặp khó khăn trong nỗ lực ngăn các cá nhân, doanh nghiệp thuộc cộng đồng khác sử dụng nó để kiếm tiền trái phép.

Không có định nghĩa thống nhất

Cuối những năm 1980, Ấn Độ theo đuổi vụ kiện nhằm ngăn chặn việc cấp bằng sáng chế tại Mỹ cho loại thuốc chữa bệnh bằng nghệ và neem - loài cây đặc hữu của Ấn Độ - của 2 công ty Mỹ là Suman K. Das và Hari Har P. Cohly. Họ lập luận rằng phương thức chữa bệnh này đã có trong truyền thống ngàn xưa của người Ấn Độ.

Theo The Guardian, sau gần 10 năm, tốn hơn 5 triệu USD án phí, Ấn Độ đã ngăn chặn thành công việc làm giàu trái phép từ kiến thức y học truyền thống của quốc gia mình. Sau vụ kiện này, Ấn Độ phát động chương trình bảo vệ phương thức chữa bệnh truyền thống khỏi bị các công ty nước ngoài đăng ký bằng sáng chế.

Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho những biểu đạt văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian, bao gồm các điệu nhạc, trình diễn, nghệ thuật, thiết kế... không phải dễ dàng.

Trong một bài phỏng vấn trên trang web của Thư viện Quốc hội Mỹ, luật sư Wend Wendland - Giám đốc Cục Kiến thức truyền thống của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) - cho biết: “Về mặt pháp lý, vẫn chưa có khái niệm cụ thể về cái gọi là “biểu đạt văn hóa truyền thống” và ai là khán giả/chủ nhân của chúng. Hơn nữa, chúng ta chưa xác định được đâu là những quyền cần áp dụng cho biểu đạt văn hóa truyền thống và nếu có thể, chúng ta sẽ hạn chế chúng tới đâu? Cuối cùng là trên thực tế, làm sao để có thể đưa ra quyền, sử dụng và áp dụng những quyền này cho ai?” - ông Wendland nói.

Nhiều chất liệu dân gian được sử dụng trong thời trang, âm nhạc, điện ảnh… Ảnh: SFU
Nhiều chất liệu dân gian được sử dụng trong thời trang, âm nhạc, điện ảnh… Ảnh: SFU

Các giá trị văn hóa dân gian được truyền từ đời nọ sang đời kia, được coi là tài sản tập thể, được sáng tạo không vì mục đích thương mại hay lan truyền. Những người tạo ra nó chủ yếu hướng tới mục đích kỷ niệm và coi nó như một món ăn tinh thần. Chính điều này đã hình thành nên mối gắn kết đặc biệt giữa một cộng đồng người với văn hóa dân gian của họ, khiến họ muốn nắm giữ văn hóa này mãi.

Trong khi đó, hệ thống SHTT lại muốn các thực thể được bảo vệ phải có tính mới, tính nguyên gốc và phải biết được ai tạo ra chúng. Đặc biệt, quyền được bảo vệ theo luật SHTT chỉ kéo dài trong thời gian nhất định, trái với mong muốn của một cộng đồng người.

Những nỗ lực bước đầu

Thực tế, không phải lúc nào cũng dễ dàng phân định rạch ròi giữa hành động mượn tác phẩm văn hóa dân gian một cách hợp pháp và việc sử dụng nó một cách không thích đáng.

Theo The Conversation, tại Mỹ hồi tháng 6/2016 đã nổ ra tranh cãi gay gắt về cái gọi là “chiếm đoạt văn hóa” khi rất nhiều biểu tượng văn hóa của châu Phi (từ thời trang, nghệ thuật, âm nhạc...) bị những người châu lục khác sử dụng. Một cuộc tranh luận trực tuyến nổ ra khi "ngôi sao" nhạc pop Justin Biebier để kiểu tóc dây thừng dreadlock vốn thuộc về người châu Phi.


Theo ông Wendland, thách thức chính của các nhà làm luật là làm sao tìm được cách cân bằng giữa việc thúc đẩy sáng tạo, đẩy mạnh tự do nghệ sĩ, tự do thể hiện mà vẫn tôn trọng quyền, lợi ích của người bản địa và cộng đồng địa phương.

Nhận thức được sự khó khăn khi áp dụng luật SHTT thông thường - đạo luật xuất hiện ở Tây Âu từ cuối thế kỷ 19, chưa chú ý tới các sáng tạo bản địa, những người có trách nhiệm đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tại từng nước và trên bình diện quốc tế để bàn cách bảo vệ văn hóa dân gian bằng luật SHTT.

Năm 2000, WIPO đã thành lập Ủy ban Đa quốc gia về SHTT và tài nguyên chung, kiến thức truyền thống và văn hóa dân gian để giải quyết vấn đề này. Ủy ban có chương trình nghị sự rõ ràng, có nhiệm vụ tổ chức những “buổi thương lượng dựa trên văn bản” với mục tiêu hướng tới thỏa thuận về một công cụ pháp lý quốc tế. WIPO cũng đã đưa ra bản đề cương - được coi là công cụ pháp lý quốc tế - về văn hóa dân gian, bao gồm những điều khoản đề cập tới hầu hết các vấn đề pháp lý chính cần xử lý.

Một số hình thức hợp tác giữa các tổ chức đa quốc gia đang được coi là một ví dụ thành công trong việc bảo hộ văn hóa dân gian. “Chẳng hạn, cộng đồng người Maasai ở Kenya, Trung tâm Đời sống dân gian Mỹ của WIPO, Trung tâm Nghiên cứu tài liệu ở Đại học Duke và Bảo tàng Quốc gia Kenya đã kết hợp để đưa ra một chương trình quản lý có tính chiến lược về bản quyền và các quyền liên quan (của văn hóa dân gian - PV)” - ông Wendland nêu ví dụ.

Ngoài ra, hiện có thể vận dụng một số hiệp ước trong bảo vệ các màn trình diễn văn hóa dân gian như Hiệp ước bản ghi âm và trình diễn của WIPO năm 1996, Hiệp ước Bắc Kinh năm 2012.

“Có nhiều cách vận dụng hệ thống luật phát hiện thời một cách có hiệu quả (để bảo vệ tác phẩm văn hóa dân gian) được trình bày trong cuốn sách mới của WIPO có tên “Bảo tồn và phát triển văn hóa: Hướng dẫn thực tiễn về SHTT cho người bản địa và cộng đồng địa phương” - ông Wendland "bật mí".

Ở Việt Nam, một số điều khoản trong Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, Nghị định số 85/2011/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 100/2006/NĐ-CP có liên quan tới việc sử dụng và bảo hộ các tác phẩm của văn hóa dân gian.