Nhiều người quan niệm mắt quỷ gây tai họa cho con người và cả động vật, cây cối, đồ đạc. Ảnh: Live Science. "Mắt quỷ" là một quan niệm đã tồn tại từ xa xưa, được cho làánh mắt gây hại cho người khác, xuất phát từ sự ganh ghét và đố kỵ với người đó. "Vận may, sức khỏe tốt, vẻ ngoài đẹp, hoặc được người khác vô ý khen ngợi sẽ khiến nạn nhân bị người mang mắt quỷ tấn công", nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Alan Dundes viết trong tác phẩm "The Evil Eye: A Casebook". |
Nhiều người tin rằng mắt quỷ có thể gây xui xẻo, đau ốm, thậm chí là cái chết. Các triệu chứng của căn bệnh do mắt quỷ gây ra gồm mất cảm giác thèm ăn, ngáp nhiều, nấc, nôn ọe và sốt.
Một số người thậm chí còn khẳng định rằng mắt quỷ thậm chí có thể ảnh hưởng đến cây cối, động vật và đồ đạc. Bò bị mắt quỷ tấn công sẽ cạn sữa, cây cối thì có thể đột nhiên khô héo và chết. Mắt quỷ ám vào xe cộ sẽ khiến chúng hỏng vĩnh viễn, nhà cửa thì bị dột hoặc côn trùng phá hoại.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng hiện tượng mắt quỷ khiến nhiều người sợ hãi và tìm mọi cách phòng ngừa chỉ xuất phát từ vấn đề tâm lý, theo Real Science.
Các quan niệm về mắt quỷ
Những chiếc bùa dùng để chống lại mắt quỷ. Ảnh: Wikipedia.
Một khảo sát đa văn hóa do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian John Roberts tiến hành năm 1976 cho thấy 36% các nền văn hóa tin vào sự tồn tại của mắt quỷ.Khái niệm mắt quỷ thời xưa rất phổ biến. Nó được đề cập trong những văn tự thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, trong kinh Koran và các vở kịch của Shakespeare. Nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng cũng nhắc đến mắt quỷ. Kinh thánh có đoạn: "Đừng ăn chiếc bánh mì của kẻ sở hữu đôi mắt quỷ, cũng đừng thèm khát món thịt ngon lành của hắn".
Mắt quỷ bắt nguồn từ sự mê tín và những suy nghĩ không thực. Trước khi khoa học giúp lý giải các hiện tượng thời tiết và vi trùng gây bệnh, bất cứ điều tồi tệ nào không có nguyên nhân rõ ràng đều có thể bị quy cho lời nguyền. Những lời nguyền, trong đó có mắt quỷ, là đáp án cho câu hỏi kinh điển: Tại sao chuyện xấu lại xảy ra với người tốt?
Người ta cho rằng trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương bởi mắt quỷ. Ở nhiều nước như Hy Lạp, Romania và Ấn Độ, việc công khai khen ngợi một đứa trẻ đôi khi là điều cấm kỵ vì lời khen sẽ thu hút sự chú ý của mắt quỷ.
Để phòng ngừa mắt quỷ, cha mẹ đứa trẻ có thể đề nghị người vừa khen ngay lập tức nhổ nước bọt vào mặt con, bởi họ cho rằng vì đứa trẻ vừa được ca ngợi đã bị sỉ nhục nên mắt quỷ không cần gây tổn thương nữa. Hành động phun nước bọt vô hại nhưng lại mang tính xúc phạm, giúp xóa đi lời khen vừa rồi.
Trẻ sơ sinh ở Puerto Rico thường được tặng một chiếc bùa may mắn gọi là azabache để bảo vệ chúng khỏi mắt quỷ. Người ta cũng có thể đeo bùa hộ mệnh để ngăn chặn mắt quỷ, thường dùng màu xanh (tượng trưng cho thiên đường hoặc sự ngoan đạo) và biểu tượng mắt.
Ngoài ra, có thể chuẩn bị các loại bùa, thuốc, thần chú, thậm chí tỏi để ngăn chặn mắt quỷ. Một số người còn tin rằng, chỉ cần nói từ "tỏi" cũng giúp bảo vệ bản thân.
Thường những ai nghĩ mắt quỷ đã nguyền rủa mình sẽ tìm đến pháp sư, bác sĩ phù thủy, bà đồng, hoặc những người chữa bệnh tâm linh khác để xóa bỏ lời nguyền. Một phương pháp truyền thống của người Mexico là dùng trứng sống lăn qua cơ thể để trứng hấp thụ hết năng lượng quỷ dữ.
Giải mã hiện tượng mắt quỷ
Hiện tượng mắt quỷ có thể chỉ xuất phát từ tâm lý. Ảnh: RealLife English
Việc tin vào mắt quỷ thường xảy ra ở những người có xu hướng "tự hủy hoại mình", chuyên gia tâm lý Armando De Vincentiis cho biết. Họ tìm kiếm những điều tiêu cực để thể hiện mình xui xẻo hoặc một lý do nào đó tương tự.Theo một nghiên cứu của tiến sĩ Collin A. Ross, mắt người có thể phát ra sóng điện từ yếu. Ông cũng phát minh ra thiết bị có thể dò được sóng điện từ của mắt người. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thể xác định chính xác những tác động của loại sóng này và chúng chỉ là sóng rất yếu mà thôi.
Ông cũng kể lại trường hợp một bệnh nhân nữ bị tổn thương tâm lý, sau đó bắt đầu tin rằng mình bị mắt quỷ ám hại và là mục tiêu của những thế lực xấu. Tình trạng bệnh của người này cuối cùng trở nên tệ hơn vì cô nghĩ mọi thứ xảy ra với mình đều do những sức mạnh siêu nhiên gây ra.
Có thể chìa khóa để loại bỏ mắt quỷ, hay loại bỏ sự ganh ghét của người khác, đơn giản chỉ là cư xử tử tế, theo một nghiên cứu của nhà khoa học Niels van de Ven cùng các đồng nghiệp tại Đại học Tilburg, Hà Lan.
Trong cuộc thử nghiệm, họ ghép hai người vào một nhóm và để một người "may mắn" hơn khi nhận được tiền thưởng, còn người kia thì không. Kết quả là, khi nhận thấy người kia ghen tỵ một cách tiêu cực, người "may mắn" thường có xu hướng giúp đỡ người kia nhiều hơn, chẳng hạn như giúp nhặt đồ đánh rơi.