Kết quả từ dự án của ĐH Y Dược TPHCM làm rõ thành phần hóa học, tạo tiền đề cho các nghiên cứu về tác dụng dược lý của một loài cây mọc phổ biến ở các miền núi trung du và đồng bằng nước ta.
Lưỡi mèo tai chuột (Pyrrosisa lanceolata (L.) Farw. Polypodiaceae), còn được gọi là Ráng hỏa mạc thon, là loài cây mọc phổ biến ở các miền núi trung du và đồng bằng, thường bám trên các cây gỗ hay bất kỳ cây gì có bề mặt ẩm ướt, trên các vách đá, bờ mương, mái nhà hay tường. Ở Việt Nam, cây phân bố rất rộng, từ các vùng đồng bằng, đồi đến núi thấp trong khắp cả nước như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Một số loài thuộc chi Dương xỉ (Pyrrosia) khác gồm P. lingua, P. petiolosa, P. serpens, P. linearifolia đã được nghiên cứu nhiều về thành phần hoá học và các tác dụng dược lý như chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm,…; song tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về loài Lưỡi mèo tai chuột này.
Với mong muốn tìm hiểu thêm về thành phần hóa học, tạo tiền đề cho các nghiên cứu về tác dụng dược lý của dược liệu, góp phần phát triển cây thuốc sẵn có của dân tộc, TS. Mã Chí Thành và các đồng nghiệp thuộc ĐH Y Dược TPHCM đã tiến hành đề tài “Phân lập các hợp chất flavonoid từ cây Lưỡi mèo tai chuột (Pyrrosia lanceolata (L.) Farw. Polypodiaceae)”.
Theo
thông tin từ Trung tâm Thông tin và Thống kê (Sở KH&CN TP.HCM), sau quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định được một số đặc điểm thực vật học của dược liệu Lưỡi mèo tai chuột bằng phương pháp quan sát hình thái, vi phẫu, soi bột dược liệu dưới kính hiển vi quang học; phân tích sơ bộ thành phần hóa thực vật bằng phương pháp Ciuley cải tiến: xác định nhóm hợp chất polyphenol là thành phần chủ yếu trong dược liệu này.
Về tác dụng dược lý (tác dụng kháng viêm), phân tích sơ bộ thành phần hóa học của P. lanceolata nhận thấy có sự xuất hiện các hợp chất terpenoid, flavonoid và tannin. Flavonoid ức chế trực tiếp con đường lipooxygenase trong quá trình viêm, từ đó ức chế quá trình sinh tổng hợp eicosanoids và quá trình kích hoạt các gốc tự do. Đó là lý do trong y học cổ truyền, Lưỡi mèo tai chuột thường được xem là một vị thuốc có tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi tiểu, được dùng để chữa viêm tuyến mang tai (tuyến nước bọt), tràng nhạc, điều trị viêm đường tiết niệu, chữa trẻ em suy dinh dưỡng, bụng ỏng, lưng eo, thường đi ra phân xanh, chữa rắn cắn,...
Về chiết xuất dược liệu, nhóm tiến hành chiết xuất, phân tách cao phân đoạn: chiết ngấm kiệt 2,4kg dược liệu khô Lưỡi mèo tai chuột với cồn 80% (40L), cô quay dưới áp suất giảm, chiết phân bố lỏng – lỏng với các dung môi có độ phân cực tăng dần (n-hexan, EtOAc, n-BuOH) thu được lần lượt 66,3g cao n-hexan (PLH), 15,3g cao EtOAc (PLE), 64,9g cao n-BuOH (PLB) và 289,2g cao nước (PLW).
Để phân lập các hợp chất từ dược liệu. nhóm nghiên cứu đã phân lập bằng kỹ thuật sắc ký cột nhanh phân tách cao PLE thành 17 phân đoạn (PLE1-PLE17), bằng các kỹ thuật sắc ký cột cổ điển, sắc ký rây phân tử, kết tinh trong dung môi thích hợp. Kết quả đã phân lập được 12 chất từ các phân đoạn của cao EtOAc: PL1 (222,9mg), PL2 (10,4mg), PL3 (3,7mg), PL4 (24,8mg), PL5 (17,0mg), PL6 (27,9mg), PL7 (1,0mg), PL8 (39,0mg), PL9 (1,4mg), PL10 (9,0mg), PL11 (33,0mg), PL12 (7,0mg). Các chất đã phân lập được kiểm tra độ tinh khiết bằng sắc ký lớp mỏng (SKLM), kết quả cho thấy các chất này đều tinh khiết trên SKLM.
Nhóm nghiên cứu cũng xác định cấu trúc hóa học của các hợp chất phân lập được. Cụ thể, bằng các phương pháp phổ học (MS và NMR), họ xác định PL1 là (R,S)-3’,4’,5,7-tetrahydroxyflavanon 7-O-(α-L-rhamnopyranosyl-(1→3)-β-D-glucopyranosid; PL2 là hypolaetin-7-O-β-D-glucopyranosid; PL4 là naringin; PL5 là naringenin 7-O-(2-β-D-apiofuranosyl)-β-D-glucopyranosid; PL6 là vitexin. Các hợp chất này lần đầu tiên được phân lập ở Lưỡi mèo tai chuột
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả của đề tài góp phần bổ sung tư liệu về đặc điểm thực vật, vi học và thành phần hóa học của loài Dương xỉ Lưỡi mèo tai chuột thu hái tại TPHCM. Đồng thời xây dựng phương pháp chiết xuất và phân lập các hợp chất chính trong một loài thực vật phổ biến trong tự nhiên ở nước ta, làm tiền đề cho các nghiên cứu sâu hơn về dược liệu này. Qua đó giúp nâng cao chất lượng dược liệu, tránh nhầm lẫn trong việc sử dụng để điều trị các loại bệnh.