Một nghiên cứu với gần 27 nghìn người tham gia đã phát hiện những người tự nhận mình là "cú đêm" ghi điểm cao trong các bài kiểm tra trí thông minh, suy luận và trí nhớ.
Có lẽ, chúng ta cần xem xét lại quan điểm phổ biến cho rằng những người thức tới gần sáng mới ngủ gặp nhiều khó khăn khi làm việc vào ban ngày.
Nhóm đã nghiên cứu dữ liệu từ Ngân hàng sinh học Vương quốc Anh (Biobank UK) trên hơn 26.820 người ở độ tuổi 53–86.
Người tham gia được phân thành hai nhóm: Nhóm 1 gồm 10.067 người, đã hoàn thành cả bốn bài kiểm tra nhận thức gồm Trí thông minh mềm/suy luận, Ghép cặp, Thời gian phản ứng và Trí nhớ tiềm năng; và Nhóm 2 gồm 16.753 người, chỉ thực hiện hai đánh giá nhận thức về Ghép cặp và Thời gian phản ứng. Ở cả hai nhóm, nữ đều chiếm 56%.
Sau đó, nghiên cứu xem xét thời lượng ngủ, chất lượng giấc ngủ và thời gian sinh học (thời điểm tỉnh táo và hiệu quả nhất nhất trong ngày) của người tham gia ảnh hưởng thế nào tới hoạt động của não bộ.
Kết quả, những người ngủ muộn và những người thiên về dậy sớm hơn thức khuya hoặc thiên về thức khuya hơn dậy sớm- tạm gọi là những người ở khoảng giữa - có “chức năng nhận thức vượt trội”, còn những người dậy sớm có điểm số thấp nhất.
Cụ thể, những người "cú đêm" đạt điểm cao hơn lần lượt 13,5% và 7,5% so với người dậy sớm ở hai nhóm. Những người ở khoảng giữa cũng đạt điểm cao hơn lần lượt 10,6% và 6,3% so với những người dậy sớm ở hai nhóm.
Đi ngủ muộn có mối liên hệ mật thiết với các kiểu người sáng tạo. Nghệ sĩ, nhà văn, nhạc sĩ nổi tiếng là cú đêm bao gồm Henri de Toulouse-Lautrec, James Joyce, Kanye West và Lady Gaga. Các chính trị gia như Margaret Thatcher, Winston Churchill và Barack Obama cũng nổi tiếng là thành công nhờ ngủ ít.
Phân tích đã được điều chỉnh theo các yếu tố sức sức khỏe và lối sống khác như tuổi tác, giới tính, hút thuốc, uống rượu, và có bệnh mãn tính (bệnh tim, bệnh đái tháo đường ...) hay không. Theo đó, những người trẻ tuổi và người không mắc bệnh mãn tính thường có số điểm cao hơn trong các bài kiểm tra; và người lựa chọn lối sống lành mạnh hơn thường có hoạt động nhận thức (bao gồm trí nhớ, suy luận và tốc độ xử lý thông tin...) tốt hơn.
Đặc biệt, nghiên cứu phát hiện thời lượng ngủ là một yếu tố quan trọng đối với hoạt động của não bộ. Những người ngủ từ 7 tới 9 tiếng mỗi đêm có thành tích tốt nhất trong các bài kiểm tra nhận thức. Ngược lại, ngủ ít hơn 7 tiếng hoặc nhiều hơn 9 tiếng có ảnh hưởng bất lợi tới chức năng não bộ.
Tiến sĩ Raha West, tác giả chính và nghiên cứu viên lâm sàng tại khoa giải phẫu và ung thư tại Trường Hoàng gia London, nhấn mạnh, ngủ đủ, không quá ít hoặc quá nhiều, là điều cốt yếu để đảm bảo bộ não của chúng ta khỏe mạnh và hoạt động ở trạng thái tốt nhất.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kêu gọi nên thận trọng khi diễn giải các phát hiện này. Jacqui Hanley, người đứng đầu bộ phận tài trợ nghiên cứu tại Alzheimer's Research UK, cho biết: “Khi không có một bức tranh chi tiết về chuyện gì diễn ra trong não bộ, chúng ta không biết là liệu dậy sớm hay thức khuya có ảnh hưởng tới trí nhớ và tư duy hay không, hoặc liệu suy giảm nhận thức có gây thay đổi trong diễn biến giấc ngủ hay không”.
Jessica Chelekis, giảng viên cao cấp về chuỗi giá trị toàn cầu bền vững và chuyên gia về giấc ngủ tại Đại học Brunel London, đánh giá nghiên cứu này có “những hạn chế đáng kể” vì đã không xét tới thành tựu giáo dục, hoặc không ghi rõ người tham gia làm bài kiểm tra nhận thức vào thời điểm nào trong ngày. Giá trị chính của nghiên cứu là thách thức những khuôn mẫu xung quanh giấc ngủ.
Nhóm tác giả nghiên cứu khẳng kết quả này không có nghĩa là tất cả những ai dậy sớm đều có nhận thức kém hơn mà phản ánh một xu hướng chung, trong đó người ngủ muộn đa số có hoạt động nhận thức tốt hơn.
Nguồn: