Các nhà khoa học cho rằng tuổi thọ trung bình của con người đang tiến gần hơn đến giới hạn tự nhiên của tuổi thọ.

Ảnh minh họa: istock
Ảnh minh họa: istock

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Aging vào ngày 7/10, các nhà khoa học tại Đại học Illinois Chicago (Mỹ) đã tiến hành phân tích dữ liệu từ những quốc gia thu nhập cao, có dân số sống lâu nhất bao gồm Úc, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hồng Kông và Mỹ.

Họ phát hiện tuổi thọ trung bình của người dân tại các quốc gia này đang tăng chậm hơn so với thế kỷ 20.

Trước đây, những tiến bộ trong y tế công cộng và y học đã giúp kéo dài tuổi thọ đáng kể. Trong thế kỷ 20, tuổi thọ trung bình của người dân ở các quốc gia giàu có thường tăng thêm khoảng 3 năm sau mỗi thập kỷ nhờ việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, sau đó là người trung niên và người cao tuổi. Ví dụ, tuổi thọ trung bình của người Mỹ vào năm 1900 là 47,3 năm, nhưng đến năm 2000, con số này đã tăng lên 76,8 năm.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy xu hướng tăng trưởng này sẽ không lặp lại trong thế kỷ 21. Các nhà khoa học dự đoán rằng trong ba thập kỷ tới, tuổi thọ con người chỉ tăng thêm khoảng 2,5 năm.

Các nhà khoa học cho rằng con người đang tiến gần hơn đến giới hạn tự nhiên của tuổi thọ. Khi có nhiều người sống sót đến tuổi già, các yếu tố chính gây tử vong cho họ thường liên quan đến hiện tượng lão hóa sinh học - những tổn thương dần tích tụ trong tế bào hoặc mô theo thời gian, và đây là điều không thể đảo ngược. Dù y học đã giúp ngăn chặn nhiều bệnh tật, nhưng chưa thể làm chậm quá trình lão hóa.

Nguồn: Nature, Livescience