Năm 1972, khi các bác sĩ lấy mẫu máu của một phụ nữ mang thai, họ xác định máu của cô bị thiếu một phân tử bề mặt có trên tất cả các tế bào hồng cầu. Sau 50 năm nghiên cứu sự vắng mặt kỳ lạ của phân tử này, các nhà khoa học tại Anh và Israel cuối cùng đã phát hiện một hệ thống nhóm máu hoàn toàn mới ở người.

Ảnh: Timesofindia.
Ảnh: Timesofindia.

“Khám phá này là một thành tựu lớn, đến từ nỗ lực nghiên cứu lâu dài của cả tập thể. Việc phát hiện ra nhóm máu mới sẽ giúp cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho những bệnh nhân có nhóm máu hiếm gặp”, Louise Tilley, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, cho biết.

Nhóm máu rất phức tạp. Hai hệ thống nhóm máu được biết đến nhiều nhất là ABO và Rh. Trong mỗi nhóm máu, các tế bào hồng cầu có thể mang các dấu hiệu bề mặt gọi là kháng nguyên. Ví dụ, hệ thống nhóm máu ABO có các kháng nguyên A và B. Những người mang nhóm máu A có kháng nguyên A, những người mang nhóm máu B có kháng nguyên B, những người mang nhóm máu AB có cả hai và những người mang nhóm máu O không có kháng nguyên nào.

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Blood vào tháng 8/2024, các nhà khoa học nhận thấy 99,9% người dân trên toàn thế giới đều có kháng nguyên AnWj trên tế bào hồng cầu. Tuy nhiên, những người sở hữu geneMALbị đột biến, giống như trường hợp của bệnh nhân vào năm 1972, sẽ không có kháng nguyên này trong máu.

Nhóm nghiên cứu cũng xác định ba bệnh nhân khác không bị đột biến gene nhưng vẫn thiếu kháng nguyên AnWj. Điều này cho thấy, đôi khi các rối loạn máu có thể làm ức chế sự xuất hiện của kháng nguyên AnWj.

Nhóm nghiên cứu đặt tên cho hệ thống nhóm máu mới là MAL, được xác định dựa trên việc một người nào đó có kháng nguyên AnWj hay không.

“Mặc dù hiện tượng thiếu kháng nguyên đặc hiệu AnWj là cực kỳ hiếm, nhưng việc biết về nó sẽ giúp quá trình truyền máu cho các bệnh nhân trở nên an toàn hơn”, nhóm nghiên cứu nhận định.

Nguồn: Sciencealert, Sci.news