Trái đất đang trở nên nóng hơn và đông hơn, hai vấn đề này liên quan tới nhau nhưng không nhiều như chúng ta vẫn nghĩ.

Liên Hợp Quốc (LHQ) và các chuyên gia khác tính toán, ngày 15/11, thế giới sẽ đón đứa trẻ là công dân thứ 8 tỷ. Trái đất đã ấm lên gần 0,9oC kể từ khi thế giới chạm mốc 4 tỷngười vào năm 1974.

Khí hậu và dân số là một chủ đề nhạy cảm đối với các nhà khoa học và giới chức.

Tuy thêm nhiều người tiêu thụ năng lượng (hầu hết từ đốt nhiên liệu hóa thạch) đang làm hành tinh ấm lên, nhưng vấn đề then chốt lại không nằm ở dân số đông như thế nào, mà ở một bộ phận vô cùng nhỏ dân số đang gây ra tỷ lệ ô nhiễm carbon nhiều hơn mức cho phép, các chuyên gia về khí hậu và dân số phát biểu với Hãng thông tấn AP.

Đúng là chúng ta có vấn đề về dân số, nhưng quan trọng hơn cả, chúng ta có vấn đề tiêu thụ quá mức, theo Vanessa Perez-Cicera, giám đốc Trung tâm Kinh tế Toàn cầu tại Viện Tài nguyên Thế giới, cho biết.

Kenya, đất nước đang trải qua một trận hạn hán tàn khốc, có 55 triệu người, gấp khoảng 95 lần dân số ở bang Wyoming (Mỹ). Nhưng bang Wyoming thải ra lượng khí CO2 gấp 3,7 lần so với Kenya. Châu Phi chiếm 16,7% dân số thế giới, nhưng trong lịch sử chỉ thải ra 3% lượng khí carbon toàn cầu; trong khi Mỹ chiếm 4,5% dân số nhưng kể từ năm 1959 đã thải ra 21,5% khí CO2 có khả năng hấp thụ nhiệt phát ra từ bề mặt Trái đất, giữ cho nó không thoát ra ngoài không gian.

Trẻ em lấy nước trong giếng đào giữa trận hạn hán ở làng Kinya
Trẻ em lấy nước trong giếng đào giữa trận hạn hán ở làng Kinya

Người Canada, Ả-rập Xê-út và Úc trong sinh hoạt hằng ngày thải ra lượng khí CO2 vào khí quyển gấp 10 lần so với người Pakistan trung bình, trong khi 1/3 diện tích của đất nước này lại chịu cảnh ngập lụt do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ. Và theo Ngân hàng Thế giới, lượng khí thải bình quân đầu người ở Qatar gấp 20 lần Pakistan.

Người lái xe tắc đường vào giờ cao điểm buổi sáng ở Jakarta, Indonesia
Người lái xe tắc đường vào giờ cao điểm buổi sáng ở Jakarta, Indonesia

“Vấn đề không phải là ở dân số mà là các mô hình tiêu thụ. Vì thế, tốt nhất là chúng ta nên bắt đầu xem xét những nước phát thải lớn ở phía Bắc”, theo nhà khoa học khí hậu Bill Hare tại tổ chức Climate Analytics.

Climate Interactive, một nhóm các nhà khoa học đã chạy những mô phỏng máy tính phức tạp để nhìn ra những yếu tố nào là quan trọng nhất trong việc chống lại biến đổi khí hậu, và nó cho thấy dân số chỉ chịu trách nhiệm một phần nhỏ so với các yếu tố khác như kinh tế.

So sánh hai kịch bản dự báo dân số của LHQ, Andrew P. Jones thuộc nhóm Climate Interactive chỉ phát hiện sự khác biệt là 0,2oC giữa kịch bản 8,8 tỷ người và 10,4 tỷ người. Nhưng điểm khác biệt giữa việc không tính thuế với carbon với đánh thuế 100 USD/ tấn là 0,7oC.

Hare nói rằng, có sự phân biệt chủng tộc trong quan niệm sai lầm rằng quá tải dân số là vấn đề chính đằng sau biến đổi khí hậu.

“Một trong những lập luận lớn nhất mà tôi nghe chủ yếu từ những người ở các nước có thu nhập cao là ‘Ôi, đấy là do vấn đề dân số’. Điều này hoàn toàn sai”, Giám đốc khoa học Katharine Hayhoe ở tổ chức The Nature Conservancy cho hay.

“50% những người nghèo nhất trên thế giới trong lịch sử chỉ chịu trách nhiệm cho khoảng 7% phát thải khí giữ nhiệt CO2. Tuy nhiên, khi bạn nhìn vào những quốc gia đang phải gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu, những quốc gia như Malawi, Mozambique, Senegal, Afghanistan lại đứng đầu danh sách”.

Và ngay cả trong nội bộ các quốc gia, chính những người giàu nhất lại gây ra ô nhiễm carbon nhiều hơn. Về tổng thể, “80% dân số của toàn cầu chỉ thải ra một lượng nhỏ khí thải”, Hare nói.

Dân số thế giới đang tăng lên chủ yếu ở châu Phi cận Sahara và Nam Á “và họ góp phần ít nhất vào biến đổi khí hậu do con người”, theo Colette Rose, điều phối viên dự án tại Viện Dân số và Phát triển Berlin.

Tám quốc gia, năm ở châu Phi và ba ở châu Á, sẽ tăng ít nhất một nửa số dân từ nay tới năm 2050. Đó là Ai Cập, Ethiopia, Tanzania, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Pakistan, Ấn Độ và Philippines.

Tăng trưởng dân số thế giới về cơ bản đã chậm lại đáng kể, có khả năng sẽ đạt đỉnh trong thế kỷ này, và hiện đang giảm xuống chỉ còn tăng hơn 1%/ năm. Nhưng, phát thải carbon đang tăng nhanh hơn, ở mức hơn 1% trong năm nay so với 2021.

“Dân số là một vấn đề mà không ai muốn động chạm tới ngay từ đầu. Quá nhạy cảm về mặt chính trị," nhà sử học khí hậu Joanna Depledge từ Đại học Cambridge ở Anh, chia sẻ qua email. "Có rất nhiều phương diện, đáng chú ý nhất là liên quan tới tôn giáo và những lời buộc tội phân biệt chủng tộc – sự gia tăng dân số hầu hết tập trung ở các nhóm dân số không phải người da trắng, dĩ nhiên rồi.”

Suốt một thời gian dài, Sierra Club đã thúc đẩy những nỗ lực kiểm soát dân số thế giới, cho tới vài thập kỷ trước, khi nhóm môi trường này xem xét vấn đề kỹ hơn và phân tích các con số, chủ tịch của nhóm, Ramon Cruz cho biết. Họ nhận thấy các vấn đề nằm ở việc tiêu thụ quá mức và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và những vấn đề đó sẽ giống nhau ở “6 tỷ, 7 tỷ hoặc 8 tỷ” người, ông nói.

Trong khi hầu hết các nhóm môi trường cố gắng né tránh vấn đề dân số, 11 năm trước, khi thế giới có 7 tỷ người, Trung tâm Đa dạng Sinh học đã sản xuất bao cao su đặc biệt với các thông điệp về dân số và môi trường như "Đeo bao để cứu lấy gấu Bắc Cực".


Nguồn: