Ở rìa Cao nguyên Tây Tạng, các kỹ sư Trung Quốc vừa hoàn thành việc lắp đặt những phần cứng cuối cùng của tổ hợp kính viễn vọng nghiên cứu Mặt trời lớn nhất thế giới có tên Daocheng.

Việc xây dựng Tổ hợp kính viễn vọng vô tuyến quan sát Mặt trời Daocheng (DSRT), bao gồm hơn 300 ăng-ten hình đĩa xếp thành một vòng tròn có chu vi hơn 3 km, đã được hoàn thành vào ngày 13/11. DSRT sẽ bắt đầu hoạt động thử vào tháng 6 năm sau. Tổ hợp này trị giá 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 14 triệu USD), và sẽ giúp nghiên cứu các vụ phun trào năng lượng mặt trời và cách chúng ảnh hưởng đến các điều kiện xung quanh Trái đất.

“Chúng ta đang bước vào thời kỳ hoàng kim của thiên văn học Mặt trời, nhờ rất nhiều kính viễn vọng Mặt trời lớn đang hoạt động", Maria Kazachenko, nhà vật lý năng lượng mặt trời tại Đại học Colorado, Boulder, nói.

Các công cụ quan sát Mặt trời đắc lực nhất hiện nay gồm Tàu thăm dò Mặt trời Parker của NASA hoạt động từ năm 2018, Tàu quỹ đạo Mặt trời của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu hoạt động từ năm 2020. Cả hai đều thu thập dữ liệu trong khi bay quanh Mặt trời.

Một vòng tròn khổng lồ xếp thành từ các ăng-ten vô tuyến. Tổ hợp này sẽ giúp nghiên cứu các vụ phun trào trong bầu khí quyển bên ngoài của Mặt trời.

Chỉ trong 2 năm qua, Trung Quốc đã phóng ít nhất 4 vệ tinh quan sát Mặt trời. Đáng chú ý nhất, tháng 10 năm nay, Trung Quốc phóng Đài quan sát Mặt trời từ không gian, quan sát Mặt trời ở tần số tia cực tím và tia X. “Trung Quốc hiện có các thiết bị có thể quan sát mọi cấp độ của Mặt trời, từ bề mặt của nó đến bầu khí quyển ngoài cùng", Hui Tian, ​nhà vật lý năng lượng Mặt trời tại Đại học Bắc Kinh, cho biết.

Ding Mingde, nhà vật lý năng lượng mặt trời tại Đại học Nam Kinh, lưu ý rằng Daocheng sẽ cung cấp dữ liệu về các hoạt động của Mặt trời mà kính viễn vọng ở các múi giờ khác không thể nhìn thấy.

Các kính viễn vọng ở tần số vô tuyến như DSRT có mục đích chính là tìm hiểu bầu khí quyển phía trên của Mặt trời, hay còn gọi là vành nhật hoa, cũng như các tia lửa mặt trời và các vụ phun trào vành nhật hoa (CME). CME là những vụ phun trào plasma nóng khổng lồ từ vành nhật hoa, xảy ra khi từ trường xoắn của Mặt trời "tạm ngưng" và sau đó kết nối lại. CME là "thiên tai" trong môi trường không gian, có thể làm hỏng các vệ tinh và phá lưới điện của Trái đất.

Vào tháng 2, một CME tương đối yếu đã phá hủy 40 vệ tinh liên lạc Starlink do SpaceX. “Với số lượng vệ tinh trong không gian ngày càng tăng, nhu cầu dự báo thời tiết không gian tốt hơn cũng tăng", Ding nói. Đây có thể sẽ là một ứng dụng của DSRT.

Tổ hợp này có trường quan sát rộng, giúp quan sát sự phát triển của CME và quan sát cách các hạt năng lượng cao lan truyền trong không gian, Jingye Yan, kỹ sư trưởng của DSRT tại Trung tâm Khoa học vũ trụ Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, cho biết. “Với thông tin này, chúng tôi có thể dự đoán liệu các vụ phun trào khối lượng vành nhật hoa có lan đến Trái đất hay không và khi nào", Yan nói.

313 ăng-ten của DSRT giúp thu cả các tín hiệu yếu để dự báo thời tiết không gian tốt hơn. Một số đài quan sát ở cùng dải tần số vô tuyến - từ 150 megahertz đến 450 megahertz - nhưng có ít ăng-ten hơn, chẳng hạn như kính viễn vọng vô tuyến Nançay ở Pháp với 47 ăng-ten, theo Yan.

Các nhà nghiên cứu quốc tế sẽ được truy cập dữ liệu quan sát của DSRT, Yan nói. Và Trung tâm Khoa học Vũ trụ Quốc gia của Trung Quốc, nơi giám sát hoạt động của DSRT, có kế hoạch sử dụng tổ hợp này vào ban đêm cho các loại quan sát khác, chẳng hạn như nghiên cứu sao xung (pulsar). Trung Quốc cũng đang xây dựng một kính viễn vọng quang học mới trên Cao nguyên Tây Tạng ở Tứ Xuyên, dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2026.

Nguồn: