Tại Hội nghị Các bên về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP27) ngày 11/11, các nhà khoa học công bố, phát thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu dự kiến ​​tăng 1% trong năm nay, đạt mức kỷ lục mới là 37,5 tỷ tấn.

Nếu xu hướng này tiếp tục, nhân loại sẽ bơm đủ lượng CO2 vào bầu khí quyển để làm Trái đất ấm thêm 1,5°C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp chỉ trong 9 năm tới. Trong khi đó, thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 đặt mục tiêu giữ cho nhiệt độ dưới ngưỡng ấm thêm 1,5°C.

“9 năm không phải là khoảng thời gian dài", Corinne Le Quéré, nhà khoa học khí hậu tại Đại học East Anglia, Norwich, Vương quốc Anh và là thành viên của Dự án Carbon Toàn cầu, đơn vị đã tiến hành phân tích trên, cho biết.

Nhóm nghiên cứu nói rõ tại COP27 rằng không có dấu hiệu nào cho thấy thế giới đang thực hiện các mức cắt giảm CO2 cần thiết để đáp ứng các mục tiêu quốc tế. Các mô hình khí hậu cho thấy nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ vượt ngưỡng ấm thêm 1,5°C vào những năm 2030, ngay cả khi các bên tích cực hành động - Le Quéré cho biết thêm.

Mức tăng phát thải xảy ra trong bối cảnh toàn thế giới đang gặp khủng hoảng năng lượng do tình hình Nga - Ukraine, và đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tiêu thụ than đã tăng đột biến, một phần do châu Âu dùng than để bù đắp cho nguồn cung khí đốt tự nhiên từ ​​Nga. Tiêu thụ dầu cũng tăng do các nước dỡ bỏ các hạn chế đi lại. Phát thải tăng 1% thấp hơn mức tăng 3% mỗi năm vào đầu những năm 2000, nhưng vẫn gấp đôi so với mức tăng trung bình của thập kỷ qua.

Phát thải tăng nhiều nhất ở Ấn Độ, ước tính khoảng 6% trong năm 2022, do tiêu thụ than và dầu đang trên đà tăng. Trong khi đó, phát thải của Trung Quốc, nước phát thải nhiều nhất thế giới, ước tính giảm 1%. Mức sử dụng than của quốc gia này được dự báo sẽ không thay đổi trong năm nay, do vẫn phong tỏa nghiêm ngặt nhằm chống COVID-19.

Một sân thượng gần nhà máy nhiệt điện than ở Dadri, Ấn Độ. Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tăng 6% phát thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch trong năm nay.

Mặc dù đáng báo động, nhưng những con số mới này tại COP27 không ngạc nhiên, Richard Newell, người đứng đầu tổ chức tư vấn môi trường Resources for the Future ở Washington DC, cho biết. Newell đánh giá nhiên liệu hóa thạch đáp ứng khoảng 80% nhu cầu năng lượng của thế giới.

Tuy nhiên, những dấu hiệu ban đầu của quá trình chuyển đổi năng lượng đang xuất hiện. Đặc biệt, ngành điện đang trở nên sạch hơn ở nhiều quốc gia, một phần là do sự mở rộng của các nguồn năng lượng mặt trời và gió ngày với giá càng phải chăng, cũng như sự chuyển dịch từ than sang khí tự nhiên. Newell cho rằng tình trạng phát thải từ than ở châu Âu tăng trong năm nay có thể chỉ mang tính ngắn hạn. “Về lâu dài, cuộc khủng hoảng năng lượng đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch”, Newell nói.

Phân tích của Dự án Carbon Toàn cầu cho thấy với tình hình phát thải hiện nay, để đáp ứng các mục tiêu đặt ra trong thỏa thuận Paris, thế giới cần giảm 4% lượng phát thải CO2 mỗi năm, tương đương với khoảng 1,4 tỷ tấn. Cũng có nghĩa là đến giữa thế kỷ này, phát thải sẽ về 0. Mức giảm 4% đã từng được ghi nhận ​​vào năm 2020, khi các nước đồng thời phong tỏa do đại dịch COVID-19. Cần mức độ hành động giống như trong hoàn cảnh đó để đối phó với biến đổi khí hậu, theo Le Quéré.

Glen Peters, nhà nghiên cứu chính sách khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Quốc tế, Oslo, một phần của Dự án Carbon Toàn cầu, cho biết, với việc hệ thống năng lượng trở nên sạch hơn mỗi năm, vẫn còn hy vọng. Peters cho rằng chính sách khí hậu của các nước đang phát huy tác dụng ở một mức độ nào đó, “nhưng các bên cần tăng tốc hơn nữa”.

Nguồn: