Theo Báo cáo sơ bộ về Khí hậu Toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 10/2020 cao hơn khoảng 1,2°C so với đường nhiệt cơ sở năm 1850–1900, vốn là mức được sử dụng làm giá trị ước tính của thời kỳ tiền công nghiệp. Năm 2020 rất có thể là một trong ba năm ấm nhất được ghi nhận trên toàn cầu. (ghi chép nhiệt độ hiện đại bắt đầu vào năm 1850), "mát" hơn năm 2016 và nóng hơn năm
2019 với mức chênh lệch rất nhỏ.
Báo cáo sơ bộ của WMO dựa trên dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 10. Báo cáo tổng kết năm 2020 sẽ được công bố vào tháng 3 năm 2021.
Khu vực nóng lên rõ rệt nhất là ở Bắc Á, đặc biệt là
Cực Bắc Siberia, nơi nhiệt độ cao hơn 5°C so với mức trung bình nhiệt độ ghi nhận từ năm 1981-2010.
Nhiệt độ đại dương đang ở mức kỷ lục, và hơn 80% đại dương trên thế giới đều từng hứng chịu một đợt sóng nhiệt vào một thời điểm nào đó trong năm 2020, gây nhiều hậu quả trên diện rộng lên các hệ sinh thái biển.
Rủi ro và tác động
Khoảng 10 triệu người, chủ yếu tập trung ở Nam và Đông Nam Á và vùng bán đảo Sừng châu Phi, mất nơi cư trú trong nửa đầu năm 2020, phần lớn do hậu quả của các thảm họa khí tượng thủy văn như hạn hán, cháy rừng ở các khu vực rừng và đất bùn, suy thoái đất, bão cát và bụi, sa mạc hóa cũng như ô nhiễm không khí. Các hậu quả đối với hệ thống biển bao gồm mực nước biển dâng, đại dương bị axit hóa, nồng độ ôxy trong đại dương giảm, rừng ngập mặn suy giảm và san hô bị tẩy trắng.
"Năm nay kỷ niệm 5 năm Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu. Chúng tôi hoan nghênh tất cả các cam kết gần đây của chính phủ các nước về giảm phát thải khí nhà kính vì hiện tại chúng ta đang không đạt các chỉ tiêu và cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa", theo Tổng thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas. "Chúng ta đã thấy các mức nhiệt độ cực đoạn mới xuất hiện trên đất liền, trên biển và đặc biệt là ở Bắc Cực. Cháy rừng thiêu rụi các khu vực rộng lớn ở Úc, Siberia, Bờ Tây Hoa Kỳ và Nam Mỹ, tạo ra những đám khói bay vòng quanh thế giới. Chúng ta đã chứng kiến số lượng kỷ lục các cơn bão ở Đại Tây Dương, bao gồm cả loạt cơn bão cấp 4 xuất hiện dồn dập chưa từng có ở Trung Mỹ vào tháng 11. Lũ lụt ở các khu vực của châu Phi và Đông Nam Á đã khiến một lượng lớn dân số phải di dời và làm suy yếu an ninh lương thực cho hàng triệu người."
Hạn chế nóng lên toàn cầu trong ngưỡng 1,5°C - mục tiêu đầy thách thức
Báo cáo Khoảng cách Sản xuất, do các tổ chức nghiên cứu hàng đầu cùng Liên Hợp Quốc thực hiện, chỉ ra rằng để hạn chế nóng lên toàn cầu trong ngưỡng 1,5°C (so với thời kỳ tiền công nghiệp), thế giới cần cắt giảm sản xuất nhiên liệu hóa thạch khoảng 6% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2030. Cụ thể, trong 10 năm này, sản lượng than, dầu và khí đốt toàn cầu phải giảm lần lượt là 11%, 4% và 3% mỗi năm.
Nhưng trên thực tế, các quốc gia đang lập kế hoạch và dự báo mức tăng trưởng sản xuất nhiên liệu hóa thạch trung bình hằng năm 2%, tức là vào năm 2030 mức sản xuất nhiên liệu hóa thạch sẽ tăng gấp đôi so với mức phù hợp cho mục tiêu 1,5°C.
Công nhân lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời trên sân thượng ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Báo cáo năm nay cũng xem xét tác động của đại dịch Covid-19 và các biện pháp kích thích, phục hồi của các chính phủ đối với sản xuất than, dầu và khí đốt. Mặc dù một số nền kinh tế lớn - bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - đã cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng carbon bằng không, nhưng các biện pháp kích thích kinh tế sau Covid nhìn chung vẫn tiếp tục nới rộng khoảng chênh lệch giữa sản xuất nhiên liệu hóa thạch toàn cầu với mức phù hợp cho mục tiêu 1,5°C.
Tính đến nay, chính phủ các nước G20 đã cam kết chi hơn 230 tỷ USD để thực hiện các biện pháp ứng phó Covid-19 dành cho các lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, nhiều hơn so với mức chi cho năng lượng sạch (khoảng 150 tỷ USD). Chỉ khi các nhà hoạch định chính sách đảo ngược xu hướng này thì mới có thể đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.
Nguồn:
Media Climate Net,World Meteorological Organization,World Climate Research Programme