Ngay hồi tháng tư, khi đại dịch bùng phát, Adar Poonawalla, người dẫn dắt một doanh nghiệp sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã bắt đầu chuẩn bị lọ thủy tinh để tiến hành sản xuất đại trà loại vaccine giá rẻ của mình cho phương Tây. Trả lời Welt.de, ông khẳng định sẽ không tranh thủ kiếm tiền từ vaccine Covid-19.

Adar Poonawalla tại Viện Huyết thanh. Nguồn: Viện Huyết thanh.
Adar Poonawalla tại Viện Huyết thanh. Nguồn: Viện Huyết thanh.

Hãng sản xuất vaccine Đức Biontech và Pfizer cũng như Moderna của Hoa Kỳ mới đây cho hay vaccine virus corona của họ đạt tỷ lệ thành công đều trên 90 %. Viện Huyết thanh đã ký hợp đồng với liên doanh sản xuất vaccine Astra Zeneca. Dữ liệu sơ bộ của công ty này cho hay hiệu lực vaccine của họ chỉ đạt 70 %. Vậy loại vaccine này làm sao có thể cạnh tranh nổi với các loại vaccine kia?

Để sản xuất một loại vaccine chống virus corona, chúng tôi hợp tác với năm đối tác, trong đó có Astra Zeneca và Novavax. Chúng tôi rất vui mừng về kết quả tích cực của Astra Zeneca, đặc biệt vì loại vaccine này có thể bảo quản được trong tủ lạnh. Do không cần phải có nhiệt độ rất thấp khoảng -600C hay -700C như nhiều vaccine khác nên việc vận chuyển chúng giản tiện hơn nhiều.

Ông đề cập đến những thách thức về vận chuyển và bảo quản mà Biontech và Pfizer phải đối mặt. Vậy vaccine của Astra Zeneca và Novavax phải bảo quản ở nhiệt độ nào?

Chúng ta có thể bảo quản được vaccine ở nhiệt độ từ 20C đến 80C. Tôi nghĩ, hạ tầng cơ sở đối với nhiệt độ dương cho đến -200C đều đã có, còn dưới -200C thì tôi thật sự ái ngại vì điều kiện hạ tầng ở nhiều nơi không thể đáp ứng nổi yêu cầu này.

Hiện nay 65% trẻ em trên thế giới được tiêm chủng vaccine chống lại các bệnh khác nhau do Viện Huyết Thanh của ông sản xuất. Theo kinh nghiệm của ông thì có loại vaccine nào thực sự hoàn hảo không?

Không, không có loại vaccine như vậy đâu. Một ví dụ về bảo quản người ta đã thấy mỗi loại vaccine đều có điểm mạnh và điểm yếu. Một số thì hiệu quả thấp hơn nhưng lại dễ vận chuyển và chi phí sản xuất rẻ hơn. Một số thì hiệu quả cao hơn một chút nhưng lại khó ở khâu vận chuyển. Không có loại thuốc tiêm phòng nào là hoàn hảo cả, nhưng chúng tôi phấn đấu để có được sản phẩm gần với sự hoàn hảo nhất. Điều quan trọng với chúng tôi là vaccine không chỉ phải an toàn mà giá cả lại phải chăng, nếu không sẽ có nhiều nước không thể kham nổi.

Loại vaccine Covid của Viện Huyết thanh chỉ có giá từ ba đến 5 USD. Ông làm thế nào để có thể đạt được cái giá thấp như vậy?

Sản phẩm vaccine Covid-19 của Viện Huyết thanh. Nguồn: Asianet
Sản phẩm vaccine Covid-19 của Viện Huyết thanh. Nguồn: Asianet

Hồi tháng tư khi quyết định sản xuất đại trà vaccine Covid-19, tôi đã có điều kiện để kiếm được bộn tiền, ví dụ tôi có thể hét giá 20 USD hay hơn thế nữa. Các hãng dược phẩm như Pfizer, Sanofi, GSK và Moderna đều đòi mức giá tương tự. Tuy nhiên tôi chỉ đòi giá là 3 USD. Tất nhiên chúng tôi có thể hạ giá thành hơn nữa vì giá nhân công và chi phí năng lượng ở Ấn Độ thấp hơn so với các nước phương Tây.

Nhưng là một doanh nghiệp tư nhân thì đáng ra ông phải nêu mục tiêu có lợi nhuận lên đầu tiên chứ?

Tất nhiên chúng tôi phải luôn kinh doanh có lời, bản thân Viện Huyết thanh chúng tôi đã rất có lãi. Nhưng chúng tôi đã có quyết định sớm, không kiếm bộn tiền trong vụ đại dịch này. Sau vài năm nữa, chúng tôi vẫn còn có thể tăng giá thuốc kia mà.

Tại sao lại phải vài năm nữa?

Nếu trong hai năm đầu, chúng tôi đòi giá quá cao thì những nước nghèo không thể tiếp cận với loại vaccine này. Mấy nước giàu sẽ mua vét bằng hết và không còn gì cho người nghèo. Điều này vì lý do đạo lý cần tránh, vả lại cả về khía cạnh hợp lý nữa. Khi nhiều người không được tiêm phòng họ có thể tiếp tục làm lây lan bệnh sang người khác. Hơn nữa nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Ngay từ hồi tháng tư ông đã chuẩn bị cho sản xuất đại trà vaccine trước cả lúc chưa có một ứng viên vaccine virus corona nào bước vào giai đoạn xét nghiệm thứ ba. Tại sao ông laị sẵn sàng chấp nhận rủi ro như vậy và ông đã đầu tư hết bao nhiêu?

Đó là quyết định quan trọng nhất của tôi trong năm nay. Nếu như hồi tháng tư tôi không đầu tư từ 250 đến 300 triệu USD, thêm vào đó là khoản tiền 300 triệu USD của Bill Gates thì bây giờ chúng ta phải tiếp tục chờ thêm sáu tháng nữa cho đến lúc có đủ thuốc. Giờ đây, khi Astra Zeneca thu được kết quả tốt, thì chúng tôi có cơ sở để xin cho phép khẩn cấp.

Ông có thể làm như vậy vì Viện Huyết thanh là một doanh nghiệp tư nhân?

Nhà máy sản xuất vaccine Covid-19 của Viện Huyết thanh. Nguồn: Viện Huyết thanh.
Nhà máy sản xuất vaccine Covid-19 của Viện Huyết thanh. Nguồn: Viện Huyết thanh.

Đúng vậy, tôi quyết định về những gì mà tôi và mọi người cùng làm, tôi cũng quyết về đầu tư cho cái gì. Tôi không có trách nhiệm báo cáo với các cổ đông, các nhà đầu tư cũng như ngân hàng. Sự linh hoạt này làm cho tôi có một lợi thế lớn.

Nhiều quốc gia ký hợp đồng đặt mua trước vaccine để tiêm phòng cho người dân nước họ. Bao nhiêu vaccine được dành cho đất nước Ấn Độ của ông?

Chúng tôi dành 50% cho Ấn Độ, một đất nước với 1,3 tỷ dân và 50% còn lại dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có nhiều nước ở châu Phi. Hiện tại chúng tôi ký hợp đồng 200 triệu liều với nền tảng vaccine Covax, sắp tới chúng tôi sẽ ký bán cho Ấn Độ vài trăm triệu liều, trong năm 2021 cung cấp 600 triệu liều vaccine của Astra Zeneca và Novavax cho Covax, có nghĩa là Covax sẽ được cung cấp tổng cộng 800 triệu liều.


Trong những năm sáu mươi, cha tôi có một trại nuôi ngựa và ông đã hiến ngựa cho một viện ở Mumbai để sản xuất huyết thanh miễn dịch. Huyết thanh tinh chế từ máu ngựa có thể dùng để tạo kháng thể ở người chống lại một số bệnh nhất định. Sau đó, ông ấy bắt đầu tự sản xuất vaccine chống bệnh uốn ván và bệnh sởi do hồi đó ở Ấn Độ và châu Phi rất thiếu các loại vaccine này. Cha tôi muốn chế tạo được các loại vaccine giá rẻ dành cho người Ấn Độ.

Quan hệ đối tác giữa ông với Liên minh tiêm chủng Gavi được hình thành như thế nào?

Năm 2001, tôi dẫn dắt doanh nghiệp và muốn biến Viện Huyết Thanh thành một thương hiệu toàn cầu. Hồi đó ở các nước châu Phi và cả ở các nước khác không có điều kiện để mua, thương lượng và tiếp nhận vaccine. Gavi ra đời trước đó một năm và đã xây dựng cơ chế tài chính để dùng tiền quyên góp của các nhà tài trợ trang trải cho các loại vaccine này. Do chúng tôi khi đó đã sản xuất được một loạt vaccine, nên chúng tôi ngay từ đầu đã hợp tác với họ.

Trừ cộng đồng khoa học, trước đại dịch Covid-19, không có nhiều người ở phương Tây biết đến Viện Huyết Thanh. Ông có định tận dụng sự quan tâm mới này để gây dựng thêm cơ đồ ở phương Tây không?

Trừ một nhà máy ở Hà Lan chuyên sản xuất vaccine bại liệt và vaccine BGC cho các nước châu Phi, và một nhà máy ở Cộng hòa Czech mà chúng tôi đã bán cho Novavax thì chúng tôi chưa hiện diện ở phương Tây. Dù vậy chúng tôi cũng có kế hoạch sản xuất vaccine cho phương Tây. Đây không phải là một thị trường mà lâu nay chúng tôi quan tâm bởi lẽ ở đây có quá nhiều rào cản kỹ thuật. Chúng tôi hy vọng vào những mối quan hệ mới mà chúng tôi tạo dựng được với phương Tây và từ các quan hệ đó có thể đăng ký các loại vaccine khác của mình để có thể kinh doanh tại đây.

Đó có phải là lý do vì sao ông đòi phải có đổi mới trong quy định đối với sáng chế và sở hữu trí tuệ?

Đối với các loại thuốc và vaccine có thể cứu tính mạng con người thì cần có sự thay đổi trong quy định về sáng chế, không nên duy trì thời hạn có hiệu lực là 20 hoặc 30 năm. Nhà sáng chế cần được hưởng 5 năm hoặc 10 năm thành quả mà mình tạo ra. Đây thực sự là một khoản tiền lớn đối với nhà sáng chế, do đó nhà sáng chế cần cho phép sau đó sản xuất những sản phẩm này với giá cả phải chăng hơn. Thí dụ thuốc Hepatitis B ở Ấn Độ là 5 USD khi nó được bán ra đầu tiên trên thị trường. Hiện tại giá mỗi liều chỉ còn 0,5 USD vì thuốc do các nhà sản xuất Ấn Độ đảm nhận. Hiện có nhiều loại vaccine có khả năng cứu mạng người và chúng ta sẽ được hưởng lợi nếu quy chế về bằng sáng chế được nới lỏng. Và cả các nước giàu cũng được hưởng lợi khi thuốc được sản xuất với giá rẻ hơn. Thí dụ Hoa Kỳ phải chi trả thêm vài trăm triệu USD một cách không cần thiết.

Trong số 1,5 tỷ liều vaccine mà hằng năm Viện Huyết thanh sản xuất, có tới 75% dành cho xuất khẩu. Ông có cảm thấy lo lắng sau đại dịch này sẽ có nhiều nước muốn ít bị phụ thuộc vào Ấn Độ?

Ngay trong năm nay sẽ có nhiều doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực sản xuất vaccine, ví dụ Ấn Độ có hai doanh nghiệp lần đầu tiên sản xuất vaccine. Cho đến nay trên toàn thế giới chỉ có năm hoặc sáu doanh nghiệp là nhà sản xuất vaccine thực sự đáng coi trọng, tuy nhiên tình hình sẽ thay đổi. Tôi nghĩ trong ba năm tới sẽ xuất hiện ít nhất 20 doanh nghiệp mới trong lĩnh vực vaccine. Chúng ta hiện thiếu năng lực, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất. Đại dịch đã thức tỉnh con người làm cho con người nhận thức được rằng sản xuất các loại vaccine mới thật sự quan trọng. Điều này tốt cho thế giới.

Nguồn: welt.de