Nghiên cứu cách cơ thể phản ứng với căng thẳng nhiệt và thử nghiệm các biện pháp bảo vệ không chỉ có ích cho lính cứu hỏa và người lao động làm việc trong môi trường nắng nóng, mà còn giúp tất cả chúng ta có cuộc sống an toàn hơn khi các đợt sóng nhiệt xuất hiện ngày càng nhiều.

Không khát không có nghĩa là không bị mất nước

“Đột quỵ do nhiệt là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho các vận động viên, binh lính tập luyện và người lao động," Douglas Casa, nhà sinh lý học tại Đại học Connecticut (UConn), cho biết.

Tại viện nghiên cứu của mình, với sự trợ giúp của các tình nguyện viên trong một phòng thí nghiệm sưởi ấm và các thiết bị nặng như ba lô, súng trường để giả lập môi trường làm việc của quân đội, Casa nghiên cứu cách cơ thể phản ứng với căng thẳng khi làm việc trong nhiệt độ cao và thử nghiệm các biện pháp bảo vệ, bao gồm các loại vải chống nhiệt, các quy trình phục hồi và bảo đảm an toàn, cũng như các cảm biến phát âm thanh báo động nếu điều kiện nhiệt độ đạt đến mức cực kỳ nguy hiểm.

Trong nghiên cứu vào năm ngoái của Casa, một số tình nguyện viên được cho đi bộ nhanh ở nhiệt độ 35°C với độ ẩm 30% đến khi khát nước. Sau đó, họ được cho uống lượng nước chỉ bằng 25% lượng chất lỏng đã mất; nhưng họ cho biết không bị khát. Theo báo cáo của Casa trên tạp chí Nutrients, cơn khát không xuất hiện ngay cả khi tình nguyện viên chưa được cấp đủ nước. "Không khát không có nghĩa là không bị mất nước," Casa cảnh báo. Ông khuyến nghị các vận động viên và những người tập luyện trong điều kiện nắng nóng nên tính toán tỷ lệ mồ hôi của họ và điều chỉnh mức độ uống nước cho phù hợp.

Casa cũng thử nghiệm một chiến lược chống nhiệt dành cho người chạy bộ gặp nhiệt độ cao. Vài chục năm qua, nhóm của Casa đã chăm sóc y tế cho cuộc đua dài 12km trên bãi biển Cape Cod. Tại đây, nhóm của Casa điều trị cho 45 nạn nhân bị đột quỵ nhiệt mỗi năm bằng cách ngâm họ trong nước lạnh. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng giữ nhiệt độ cơ thể của họ dưới 40°C trong vòng 30 phút là đủ để đảm bảo hồi phục hoàn toàn.

“Hầu hết mọi người sẽ ngạc nhiên khi biết chúng ta có thể điều trị chấn thương nhiệt," Casa nói, cho biết thêm rằng trên thực tế nếu điều trị kịp thời và đúng cách thì có thể đảm bảo phục hồi sau chấn thương.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa nhiệt và hoạt động thể chất tại UConn.

Học cách thích nghi

Nigel Taylor, nhà sinh lý học nhiệt đã nghỉ hưu từ Đại học Wollongong, cho biết tốt hơn hết là tránh hoàn toàn căng thẳng do nhiệt. Có nghĩa là học thích nghi với nhiệt độ bằng cách tránh sử dụng điều hòa - thiết bị "ngăn cản chúng ta thích nghi với khí hậu", theo Taylor.

Khả năng chịu nhiệt ở mỗi người khác nhau, không chỉ do tuổi tác, sức khỏe mà còn do yếu tố di truyền. Một nghiên cứu trên 42.000 thợ mỏ bản địa ở Nam Phi khi mới nhận việc cho thấy khoảng 15% không thể xử lý nhiệt, trong khi 25% đối phó tốt với nhiệt độ cao.

Nhưng Taylor và nhiều người khác phát hiện ra rằng việc thường xuyên tiếp xúc với nhiệt cũng cải thiện khả năng chịu nhiệt. Nếu một người làm quen với nóng - bằng cách sống trong thời tiết nóng hoặc tập thể dục cường độ cao - thì cơ thể sẽ điều chỉnh sinh lý và sẽ ít bị tổn thương hơn do căng thẳng nhiệt. Đó là lí do các vận động viên và người lao động có thể làm việc chăm chỉ hơn và lâu hơn bất chấp cái nóng.

Ông và những người khác đã nghiên cứu sự thích nghi nhiệt một cách chi tiết và nhận thấy, chỉ sau 1 tuần dành 2 giờ mỗi ngày làm việc ngoài trời trong môi trường nóng bức, cơ thể bắt đầu thích nghi. Nhiệt độ lõi cơ thể bình thường giảm xuống. Cơ thể bắt đầu đổ mồ hôi ở nhiệt độ thấp hơn và tạo ra ít căng thẳng hơn cho tim. Ngay cả trong nhiệt độ cao, nhịp tim sẽ không tăng nhiều và tim bơm nhiều máu hơn mỗi nhịp. Cơ thể cũng giữ lại nhiều chất lỏng hơn, tăng lượng nước dự trữ để tiết mồ hôi và làm mát.

"Cơ thể có khả năng thích nghi rất tốt," Daniel Gagnon, theo nhà sinh lý học con người tại Đại học Montreal. Nhưng "nếu dùng điều hòa nhiệt độ, bạn sẽ trì hoãn việc thích nghi," Elizabeth Repasky, nhà miễn dịch học tại Trung tâm Ung thư Roswell Park cho biết.

Trong cái nóng của mùa hè, có nhiều cách khác để hạ nhiệt mà không cần điều hòa, Ollie Jay, nhà sinh lý học nhiệt học tại Đại học Sydney, nói. Jay đã đưa những người già trên 80 tuổi, trẻ em, người bị bệnh tim, thậm chí cả phụ nữ mang thai vào một buồng sưởi và nhận thấy quạt thường có hiệu quả làm mát ở nhiệt độ lên đến 40°C không kém gì điều hòa, với chi phí môi trường và tài chính thấp hơn nhiều. Đặc biệt, trong điều kiện ẩm ướt, quạt giúp làm bay hơi mồ hôi bám trên da. Năm ngoái, Jay và các đồng nghiệp đã báo cáo trên tạp chí Energy and Buildings rằng công nhân có thể làm việc hiệu quả và thoải mái như ở trong điều hòa nhiệt độ khi họ chỉ được làm mát bằng quạt.

Các nghiên cứu của Jay còn chỉ ra rằng việc dội nước lạnh lên da có tác dụng thay thế quá trình đổ mồ hôi của cơ thể - quá trình dẫn đến mất nước và làm căng thẳng tim.

Nhóm của ông đã đánh giá việc sử dụng quạt và các biện pháp thay thế cho điều hòa trong đợt nắng nóng mùa hè 2020 ở Mỹ. Tại 80 trong số 105 thành phố, những biện pháp thay thế kể trên có hiệu quả 100% như điều hòa.

Quần áo và dụng cụ quá nặng có thể khiến lính cứu hỏa gặp chấn thương nhiệt do vận động, ngay cả khi không bị ảnh hưởng nhiều bởi nhiệt từ đám cháy.

Những cách ứng phó đơn giản và hiệu quả

Đối với những người làm việc ngoài trời, một cách khắc phục đơn giản - nhưng không phải lúc nào cũng làm được - là di chuyển đến nơi có bóng râm. Tại một vùng nông thôn ở Indonesia, Spector, Yuta Masuda và Nicholas Wolff thuộc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên, và các đồng nghiệp đã phân công ngẫu nhiên 363 lao động làm việc trong một khu rừng hoặc một khu vực không có cây gần đó. (Phá rừng có thể làm tăng nhiệt độ địa phương lên tới 8°C.) Các công nhân đeo máy đo nhịp tim và đo nhiệt độ cơ thể. Trong một ca làm việc kéo dài 90 phút trong thời tiết nắng nóng, những người ở khu vực không có cây có thời gian nhiệt độ cơ thể lên trên 38,5°C nhiều hơn 3 phút so với những người làm việc trong khu vực rừng, Spector và các đồng nghiệp viết trên tạp chí Environmental Research Letters.

Sự khác biệt có vẻ nhỏ, nhưng nếu làm việc suốt cả ngày, nhiệt độ cơ thể có thể sẽ tiếp tục tăng cao, khiến người lao động có nguy cơ chấn thương nhiệt. Những người làm việc trong các khu vực bị chặt phá rừng cũng đạt điểm kém hơn trong các bài kiểm tra nhận thức và trí nhớ, có lẽ vì mất nước hoặc khó chịu, nhóm nghiên cứu cho biết.

Các nhân viên cứu hỏa làm việc trong môi trường nhiệt độ cực cao. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới cho thấy nhiệt độ bên ngoài không phải mối lo chính.

“Sức nóng từ ngọn lửa hầu như không bao giờ ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể của chúng ta. Cũng không phải là mất nước," William Knudsen, lính cứu hỏa ở Rừng Quốc gia Helena-Lewis và Clark của Mỹ, cho biết.

Thay vào đó, "sản sinh nhiệt bên trong là yếu tố quan trọng nhất," Joseph Domitrovich, nhà sinh lý học trong Chương trình Phát triển và Công nghệ Quốc gia của Sở Lâm nghiệp Hoa Kỳ, nói. Túi trang bị to, quần áo dày và cường độ vận động khiến nhiệt độ cơ thể tăng đột biến. Vì vậy, nhiều nhóm lính cứu hỏa Mỹ lưu ý đến trọng lượng họ mang theo và tốc độ di chuyển, và thường nghỉ 2 phút sau mỗi 8 phút đi bộ.

Tất cả những phát hiện này có vẻ đơn giản, nhưng rất hiệu quả, theo Bre Orcasitas, lính cứu hỏa ở Washington, vì chúng dễ thực hiện.

Trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu tăng lên thì những nghiên cứu về cách ứng phó với nhiệt độ cao có ích cho tất cả chúng ta. Căng thẳng nhiệt là một chủ đề rất phức tạp, không chỉ những người lính cứu hỏa mà ai cũng hiểu về nó thì tốt hơn, Domitrovich nói. "Điều này sẽ giúp tất cả sống an toàn."

Nguồn: