Từ núi Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum) - quê hương của loài sâm Ngọc Linh nổi tiếng quý giá, các nhà khoa học đã phát hiện một loài bò sát mới thuộc giống nhông đuôi, được đặt tên theo nơi phát hiện là Japalura ngoclinhensis.
Theo tin từ Viện Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhà nghiên cứu của đơn vị này và của Viện động vật St Peterburg (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) đã phát hiện và mô tả loài mới: Nhông đuôi Ngọc Linh, tên khoa học là Japalura ngoclinhensis, thuộc giống Nhông đuôi - Japalura.
So sánh với các loài còn lại trong giống Japalura, loài mới này có một số đặc điểm hình thái khác biệt như: Chiều dài cơ thể từ 68-69mm, chiều dài đuôi lớn gấp 2,25-2,4 chiều dài cơ thể, màng nhĩ ẩn, gờ lưng bắt đầu từ cổ, lưng có màu nâu nhạt hoặc xám nhạt không đều, bụng và đầu màu nâu nhạt, bên sườn màu nâu sẫm với nhiều đốm sáng.
Theo các nhà khoa học, thế giới đã ghi nhận 31 loài thuộc giống Japalura. Ở Việt Nam, hiện đã có 2 loài được ghi nhận. Hai loài được ghi nhận trước đó là Nhông đuôi sapa (Japalura chapaensis Bourret, 1937) và Nhông đuôi vạch (Japalura fasciata Mertens, 1926), chỉ phân bố ở phía Bắc Việt Nam.
Với việc phát hiện loài Japalura ngoclinhensis, lần đầu tiên giống Nhông đuôi được ghi nhận là có phân bố ở khu vực Tây Nguyên. Loài mới này đã được mô tả chi tiết trong bài báo công bố trên tạp chí chuyên ngành Asian Herpetological Research.
PV