Loài ếch mới được các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - phát hiện (tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai) và mô tả được đặt tên là Nhái cây chân mảnh Sa Pa - Gracixalus sapaensis.
Theo thông tin từ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, loài ếch mới sống ở vùng núi cao 1.800-2.500 mét so với mực nước biển thuộc dãy núi Hoàng Liên này trước đây được định danh là loài nhái cây ca rin - Gracixalus carinensis. Tuy nhiên, khi so sánh các mẫu thu được ở dãy núi Hoàng Liên với mẫu chuẩn loài nhái cây ca-rin và các loài khác trong giống Gracixalus về chỉ số hình thái và di truyền phân tử, các nhà khoa học nhận thấy đây là một loài mới.
Đặc điểm nhận dạng của nhái cây chân mảnh Sa Pa - Gracixalus sapaensis - là con đực trưởng thành có chiều dài cơ thể trung bình 30mm, lớn nhất 36,9mm và nhỏ nhất 20,8mm, chiều dài đầu ngắn hơn chiều rộng, mõm tròn, mắt lớn, lưng màu nâu vàng, có các nốt sần màu vàng nhạt. Phía cuối lưng, tiếp giáp chi sau có màu vàng chanh xen kẽ màu nâu sẫm, phía sau đùi có màu xám nhạt với đốm vàng. Họng, ngực, bụng màu vàng nhạt.
Đây là loài mới thứ tư thuộc giống nhái cây chân mảnh được phát hiện trong 3 năm qua trong tổng số 9 loài ở Việt Nam và 13 loài trên thế giới. Theo nhóm nghiên cứu, điều này cho thấy khu hệ ếch nhái ở Việt Nam chứa đựng nhiều bí ẩn cần được nghiên cứu kỹ hơn, đặc biệt là các loài có kích thước nhỏ và trung bình, có hình thái tương đồng và phân bố ở độ cao trên 1.500m.
Bài báo khoa học về loài mới này đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành Alytes, tập số 33 năm 2017.
PV