Trong một nghiên cứu vừa được nghiệm thu, các nhà khoa học đã xác định được tên khoa học của 13 mẫu động vật thân mềm tại khu vực quần đảo Cát Bà, Hải Phòng, sàng lọc hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định và hoạt tính gây độc tế bào của các mẫu dịch chiết lấy từ chúng.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đề tài “Nghiên cứu hoạt tính gây độc tế bào, kháng vi sinh vật kiểm định và tìm kiếm các chất hóa học có hoạt tính từ 10 loài động vật thân mềm ở khu vực Cát Bà" được viện giao cho Viện Hóa sinh biển thực hiện trong 2 năm từ 2014-2016. nhằm nghiên cứu sâu hơn về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của một số loài thân mềm.

Đề tài do ThS Phan Thị Thanh Hương là chủ nhiệm, được hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiệm thu và đánh giá xếp loại xuất sắc.

f
Một số loài động vật thân mềm được nghiên cứu trong đề tài. Ảnh: VAST

Kết quả, các tác giả đã thu thập và xác định được tên khoa học của 13 mẫu động vật thân mềm tại khu vực quần đảo Cát Bà; sàng lọc hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định (trên 8 chủng vi sinh vật) và hoạt tính gây độc tế bào (trên các dòng tế bào MCF7, HepG2, Lu, F1) của các mẫu dịch chiết từ những mẫu thu thập được.

Bằng các phương pháp sắc ký kết hợp, họ đã phân lập thành công 16 hợp chất sạch từ 3 mẫu động vật thân mềm Anadara (Tegillarca) granosa (Linne', 1758), Doriprismatica atromarginata (Cuvier, 1804), Monodonta labio (Linnaeus, 1758). Trong đó, có 2 hợp chất mới được phân lập từ loài ốc đá Monodonta labio (Linnaeus, 1758) được đặt tên là monodontins A và monodontins B.

Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định và hoạt tính gây độc tế bào đối với các hợp chất sạch phân lập được.

Đề tài đã công bố 3 bài báo, trong đó có 1 bài trên tạp chí thuộc danh mục SCI, 1 bài thuộc danh mục SCIE. Đề tài được đánh giá là đã góp phần bổ sung các dẫn liệu về thành phần hóa học cũng như hoạt tính sinh học của một số loài động vật thân mềm ở khu vực Cát Bà và ở Việt Nam nói chung; là kết quả bước đầu để định hướng cho các nghiên cứu sâu hơn về thân mềm ở Việt Nam.

Thân mềm là một ngành động vật có lợi ích kinh tế cao, tiềm năng khai thác lớn. Các sinh vật biển chiếm gần 80% số sinh vật trên thế giới và là nguyên liệu làm nên nhiều sản phẩm như thực phẩm, nước hoa, bột màu, thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh… Đến nay, có khoảng 10.000 hợp chất có hoạt tính sinh học nguồn gốc động vật biển đã được công bố. Trong đó, ngành Thân mềm có nhiều chủng loại, chiếm khoảng 23% tổng số loài sinh vật biển đã được đặt tên. Việt Nam có hơn 90.000 loài thuộc ngành này.