Bản đồ phân bố một số loài thực vật quý hiếm tỷ lệ 1/50.000 ở huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang là một trong các kết quả đề tài về điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên cây thuốc tại một số xã vùng cao của huyện Na Hang, vừa được nghiệm thu loại xuất sắc.
Theo tin từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đề tài “Điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên cây thuốc tại một số xã vùng cao của huyện Na Hang, đề xuất giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững một số loài có giá trị và triển vọng” do PGS-TS Trần Huy Thái - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - chủ trì thực hiện đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc.
Theo kết quả nghiên cứu, các xã vùng cao của huyện Na Hang (Khâu Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú, Thanh Tương) có 647 loài thực vật được ghi nhận sử dụng làm thuốc, thuộc 137 họ, 4 ngành thực vật. Cụ thể, ngành Thông đất (Lycopodiophyta) có 3 loài thuộc 2 họ; ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) có 20 loài thuộc 12 họ; ngành Thông (Pinophyta) có 6 loài thuộc 4 họ; ngành Mộc lan (Magnoliophyta) có 618 loài thuộc 119 họ.
647 loài trên được dùng để chữa trị 13 nhóm bệnh: Các bệnh đau nhức (126 loài), bệnh ngoài da (283 loài), ngoại thương (171 loài), bệnh về hô hấp (147 loài), bệnh về tiêu hoá (239 loài), bệnh về tiết niệu và gan thận (185 loài), ngoại cảm (127 loài), bệnh phụ nữ (120 loài), bệnh về huyết mạch (36 loài), bệnh trẻ em (33 loài), bệnh sinh dục (14 loài), bệnh về tâm thần (23 loài), bệnh suy nhược không đau (31 loài).
Đề tài đã xác định số cây thuốc mà 3 dân tộc ở Nà Hang sử dụng, trong đó người Tày sử dụng 223 loài, người Cao Lan sử dụng 209 loài, người Dao sử dụng 164 loài. Trong cùng một nhóm bệnh thì số loài cây thuốc mà người Dao sử dụng nhiều hơn. Trong 10 bộ phận dùng làm thuốc thì thân được sử dụng nhiều nhất, tiếp đến là lá, toàn cây và rễ, củ quả và hạt. Có 30 loài cây thuốc quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng được ưu tiên bảo tồn.
Một kết quả nữa của đề tài là việc thành lập bản đồ phân bố một số loài thực vật quí hiếm tỷ lệ 1/50.000 trên cơ sở biên tập các lớp thông tin nền và thông tin về thành phần loài đã thu thập được qua điều tra thực địa.
Ngoài ra, tác giả đề tài đã xác định khả năng tái sinh, mật độ tái sinh chủ yếu của các loài theo các đai cao từ 400-900m, trong đó cây tái sinh ở chân núi chiếm tỷ lệ cao nhất như loài Thiên niên kiện (1.866 cây/ha), loài Tế tân (chiếm 3.000 cây/ha), loài Bình vôi 100 cây/ha. Chất lượng tái sinh không đồng đều, cây tốt chiếm tỷ lệ 46,43%, cây trung bình và cây xấu tương ứng là 37,50% và 16,07%. Cây tái sinh từ cả từ chồi và hạt (tỷ lệ tương ứng 64,29% và 35,71%).
Trong đề tài này, 10 loài cây thuốc có triển vọng được chọn để thử nghiệm nhân giống, trồng và phát triển tại vườn ươm ở Thác Mơ, Sơn Phú, Na Hang. Trong đó, 5 loài có tỷ lệ ra rễ cao sau 50 ngày nhân giống, gồm: Tế tân balansa, Bách bộ, Râu hùm, Nghệ và Nghệ đen; 5 loài cây thuốc có tỷ lệ ra rễ thấp là Thiên niên kiện, Dây đau xương, Bình vôi, Giảo cổ lam và Hà thủ ô đỏ.
Tác giả đã sàng lọc hoạt tính sinh học từ dịch chiết các loài cây thuốc, kết quả là một số mẫu có tác dụng diệt tế bào ung thư, đã phân tích thành phần hóa học và nghiên cứu thử nghiệm y học (in vitro) của một số chất theo định hướng kháng ung thư...
Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang có 1.162 loài thực vật, thuộc 604 chi, 159 họ của 4 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong số 1162 loài thực vật được ghi nhận tại đây, có 558 loài được ghi nhận có giá trị làm thuốc (theo công bố của Nguyễn Nghĩa Thìn và Đặng Quyết Chiến năm 2006).