Hội đồng Khoa học và công nghệ thành phố Hải Phòng vừa tiến hành đánh giá đề tài "Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi tại Vườn quốc gia Cát bà và đề xuất giải pháp thích ứng".

Đề tài do thạc sỹ Hoàng Văn Thập - Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà - cùng các cộng sự thực hiện đã tập trung phân tích tác động của biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái rừng tại khu vực này. Theo đó, có 3 yếu tố tác động trực tiếp đến hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi tại Vườn quốc gia Cát Bà gồm: Nhiệt độ, lượng mưa và bão.

Bản đồ di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà.

Thạc sỹ Hoàng Văn Thập cho biết, thông qua chỉ số thực vật đã được chuẩn hóa (NDVI) và chỉ số thực vật cải thiện (EVI), sự tăng - giảm của nhiệt độ ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình sinh trưởng, phát triển cũng như chất lượng hệ sinh thái rừng.

Bên cạnh đó, sự gia tăng của cường độ và tần suất bão cũng khiến nhiều loài động, thực vật trong hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng về nguồn thức ăn và nơi cư trú, số lượng động, thực vật quý hiếm giảm, nguy cơ tuyệt chủng tăng... Ngoài ra, lượng mưa cao sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của thực vật, gia tăng độ che phủ và ngược lại.

Trên cơ sở phân tích thực trạng và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 3 giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, trước hết cần khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, làm giàu rừng, trồng mới, xây dựng đường băng xanh cản lửa, phòng trừ sâu bệnh hại rừng.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất giải pháp xây dựng vườn ươm, xây dựng hệ thống cảnh báo cháy rừng, các biển báo tuyên truyền.

"Đặc biệt, cần tăng cường quản lý bảo vệ tài nguyên, xây dựng chương trình điều tra, đánh giá theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu cho cán bộ Vườn quốc gia Cát Bà và người dân địa phương" - đây là giải pháp thứ ba được ông Thập nhấn mạnh.

Vườn Quốc gia Cát Bà được Chính phủ quyết định thành lập ngày 31/3/1986. Tổng diện tích hiện nay là 16.196,8ha. Vườn Quốc gia Cát Bà mang nét đặc trưng của cả 3 hệ sinh thái điển hình của Việt Nam (gồm hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái biển), nhiều loài có giá trị kinh tế cao, gồm cả các loài đặc hữu.