Thiếu bãi chứa tro xỉ cho các nhà máy nhiệt điện than là bài toán khó về môi trường được các chuyên gia trao đổi tại hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam” mới đây.

Hội thảo do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam tổ chức. Phó Giáo sư Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam - cho rằng, tro xỉ cần được coi là nguyên liệu quý để sản xuất vật liệu xây dựng.

Sản xuất gạch không nung từ tro xỉ nhiệt điện than.
Sản xuất gạch không nung từ tro xỉ nhiệt điện than.

Theo ông Nghĩa, thành phần chủ yếu của tro xỉ từ than là các ôxít kim loại như silic, nhôm, titan - có thể dùng làm vật liệu xây dựng, hầu như không có kim loại nặng. Vì thế, cần phân tích tro xỉ, nếu không có kim loại nặng độc hại như thủy ngân, chì thì cần coi nó là nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng.

“Khi tro xỉ của nhà máy nhiệt điện đốt than được dùng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng thì bài toán về tro xỉ đối với môi trường không còn là mối bận tâm lớn nữa. Vấn đề chỉ còn là chính sách ở tầm vĩ mô” - ông Nghĩa nói và nhấn mạnh nếu Chính phủ có lệnh cấm sản xuất gạch nung thì tro xỉ của các nhà máy điện sẽ được tận dụng hết như ở nhiều nước trên thế giới.


Nhìn vấn đề ở góc khác, ông Nguyễn Minh Duệ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng Việt Nam - cho rằng cần có hàng rào để ngăn chặn những dự án nhiệt điện than công nghệ thấp. Cùng với đó, phải hoàn thiện và bổ sung chặt chẽ các quy định về cấp phép xây dựng, vận hành nhà máy nhiệt điện than, buộc các dự án phải có công nghệ hiện đại, các chỉ tiêu về phát thải môi trường phải được tuân thủ.

Theo Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nếu các nhà máy nhiệt điện ra đời theo đúng quy hoạch và tro, xỉ không được xử lý thì đến năm 2018 sẽ có 61 triệu tấn tro, xỉ thải ra môi trường. Con số này sẽ tăng thành 109 triệu tấn vào năm 2020, 248 triệu tấn vào năm 2025 và 422 triệu tấn vào năm 2030.