Quan điểm này của ông chính là “bí quyết tiếp thị” rất đặc trưng của dân khởi nghiệp từ Đông đến Tây.
Hấp dẫn bằng sự... bá đạo
Nguyễn Minh Thảo, nhà sáng lập dự án công nghệ truyền thông Umbala, được bình chọn là dự án “bá đạo” nhất trong chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ. Lý do? Anh chàng này bắt đầu bằng việc cho rằng, trong công ty, người CEO - tổng giám đốc - phải là người ngu nhất. Tất nhiên, những “cá mập” ngồi phía dưới đều hiểu anh chàng đâu có “ngu” khi biết điều này.
Cá mập hỏi: “Vậy nếu trong cuộc họp toàn những người tài, nên ai cũng có chính kiến riêng của mình mà không nhìn cùng một hướng, thì CEO phải làm sao?”. Thảo không trả lời trực tiếp, mà kể về trải nghiệm của mình với nhà đầu tư Nhật Bản mà anh từng gặp, sau những cuộc trao đổi khá mệt mỏi, anh rủ: Đi massage. Và câu chuyện bắt đầu dễ dàng hơn rất nhiều. Nên anh kết luận: “Nghiệp vụ ăn chơi cũng rất quan trọng đối với dân khởi nghiệp”. Phần đối đáp này gây sóng gió không ít trên mạng xã hội, nhưng hiệu quả dễ đo đếm nhất, theo Thảo nói trên Facebook cá nhân của mình, là chỉ sau khi phát sóng, lượng người dùng ứng dụng của mình đã tăng gấp 3 lần.
Nguyễn Minh Thảo (đứng) tại lớp học về khởi nghiệp Israel. Ảnh: Kiên Chinh
Quyến rũ bằng bí quyết cá nhân
Hùng Đinh, một nhân vật từng được xem là số 1 Việt Nam trong cộng đồng khởi nghiệp với tầm nhìn thay đổi công nghiệp in ấn của thế giới DesignBold, lại là một ví dụ khác về sự hấp dẫn. Là một doanh nghiệp có bề dày trong việc tạo lập và buôn bán các template (bản mẫu dựng sẵn) trên nền web cho toàn thế giới, Hùng không quá khó khăn khi tìm kiếm khách hàng mới của DesignBold vì có sẵn cộng đồng khách hàng này. Nhưng tìm cộng đồng và đồng đội thì không phải là việc đơn giản.
Hùng thực hiện chiến lược “bán bí quyết cá nhân”. Anh “rao” trên trang cá nhân của mình: “Thư mời cộng tác: bí quyết quan trọng nhất lúc tuyển dụng mà các CEO và giám đốc nhân sự hay bỏ qua”.
Hùng Đinh tại một bài viết giới thiệu kinh nghiệm bản thân về tiếp thị và sản phẩm.
Ảnh: FB Hung Dinh
Theo đó, các công ty thường phải đầu tư rất nhiều thời gian cho công tác đăng tuyển, lọc hồ sơ, phỏng vấn các kiểu nhưng khâu quan trọng nhất “Thư mời cộng tác - Job Offer” thì không đầu tư một cách thỏa đáng. Chi phí về thời gian và công sức để đi được đến đây đã là vô cùng lớn, buồn hơn là lại để tuột mất “nhân tài” ở phút đá bù giờ. Đau đớn hơn nữa là khi “ngỏ lời yêu rồi”, bị người ta từ chối rồi thì nhục lắm. Và rồi sao? Sao gì nữa? Sẽ xa nhau mãi mà thôi. Mình là CEO mà, nghiện cũng phải có lòng tự trọng của nghiện chứ, bị nó từ chối thì còn mặt mũi nào mời mọc lại nữa.
“Cũng vì vậy mà tớ viết thư mời cộng tác rất có trách nhiệm. Và kỷ lục là từ trước đến nay, những nhân sự nào tớ đã không tuyển thì thôi, còn những người nào mình đã quyết định gửi thư thì chẳng bị “từ chối” lần nào. Có bạn còn chia sẻ “Thực ra em có chỗ khác đãi ngộ tốt hơn nhiều, nhưng đọc thư anh làm em rất đau đầu, cuối cùng em quyết định nhận lời mời của anh vì em thích câu chuyện của anh, với ấn tượng vì bức thư có tâm quá”.
Kết quả, có khoảng 500 người, đúng đối tượng mà Hùng muốn nhắm đến, gửi thư cho anh để xin bức thư này. Anh rất cẩn thận gửi riêng cho từng người cái công cụ rất thú vị này, và sau đó… nhờ vả giới thiệu người giúp.
Cách Hùng làm, là một trong những điều cơ bản nhất trong tất cả các bài hướng dẫn về tiếp thị dành cho khởi nghiệp mà các chuyên gia của các trung tâm khởi nghiệp lớn vẫn thường hướng dẫn: tìm mọi cách để tạo ra một cộng đồng chuyên sâu phù hợp với nhu cầu của mình, và tìm cách kết nối họ thành khối, nuôi dưỡng và phát triển cộng đồng này dần dần… Người ta gọi đây là tiếp thị kiểu ít tiền, thậm chí không mất tiền, nhưng vô cùng mất trí não và thời gian.
Nhưng mà nó hiệu quả…
Và tối ưu hóa sự xuất hiện của mình
Khi nhận được danh sách các bài tham dự cuộc thi Thách thức Thanh niên Vì sáng tạo Xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân và Hội đồng Anh tại Việt Nam cùng tổ chức), rất bất ngờ thấy cái tên Trần Phúc Hậu và dự án “Bột bã mía Đại Thành”. Bất ngờ, vì sự chăm chỉ của anh chàng người Bình Đại, Bến Tre này. Xuất thân từ một người bán thức ăn chăn nuôi tôm, có lần dịch bệnh, tôm chết nhiều, nông dân chẳng có tiền trả cho Hậu. Anh rầu rĩ đi tìm giải pháp, và cuối cùng có nhà khoa học giúp sử dụng giải pháp bột bã mía, vốn là thứ bỏ đi, kết hợp với men vi sinh, có thể giúp việc nuôi tôm tốt hơn.
Trần Phúc Hậu giới thiệu sản phẩm bột bã mía Đại Thành với Phó bí thư Bến Tre Phan Văn Mãi. Ảnh: K.C
Câu chuyện là vậy, nhưng lấy đi của Hậu mấy năm trời tuổi trẻ, và anh quyết tâm “làm lớn”. Muốn “làm lớn”, thì phải được nhiều người biết đến, được báo chí nhắc nhớ, được các tập đoàn thủy hải sản quan tâm. Hậu dấn thân vào việc tham gia các cuộc thi. Ít nhất, người viết bài đã gặp Hậu ở cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp BSA tổ chức, nơi anh giành giải nhì. Sau đó anh thi Shark Tank, được hứa đầu tư 2 tỷ và hàng loạt bài báo nhắc đến. Sau anh xách giỏ ra Hà Nội dự chương trình Thách thức Nông nghiệp Công nghệ cao vùng Mekong của Sáng kiến MBI – ngân hàng Phát triển châu Á ADB tổ chức, gặp chủ tịch công ty tôm rất to hứa về Bến Tre thăm…
Mỗi ngày, đều có đâu đó các sự kiện lớn nhỏ liên quan tới khởi nghiệp khắp nơi trên cả nước. Nhưng thu xếp đủ thời gian, đầu tư đủ công sức cho việc xuất hiện của mình hiệu quả nhất không phải là điều mà ai cũng làm được. Và đó cũng là một tố chất quan trọng mà nếu không cẩn thận, nhiều startup đã rơi vào con đường “đi săn giải thưởng” mà bỏ quên mất công việc quan trọng nhất của mình là… làm khởi nghiệp.