Theo đó, các doanh nghiệp không chỉ tham gia vào việc gìn giữ môi trường mà còn cải thiện đời sống xã hội, chung tay vì lợi ích của cộng đồng.
Hai tác giảJohn Mackey (trái) vàRaj Sisodia. Ảnh: Internet
Trong cuốn sách xuất bản lần đầu năm 2013 Conscious Capitalism (Chủ nghĩa tư bản có ý thức), hai tác giả - triệu phú John Mackey, người sáng lập và điều hành chuỗi siêu thị chuyên cung cấp thực phẩm sạch Whole Foods Market từ gần 40 năm nay; và Raj Sisodia, người sáng lập Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Tư bản có ý thức - đã khái lược con đường phát triển của chủ nghĩa tư bản, qua rất nhiều thử thách để trở thành lực lượng tạo ra nhiều của cải vật chất nhất cho toàn thế giới cho đến nay; đây cũng là lực lượng đưa ra nhiều phát minh, sáng tạo và ứng dụng vào cộng đồng, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống xã hội.
Đồng thời, theo các tác giả, chủ nghĩa tư bản đang phát triển theo nhiều nhánh khác nhau, và có thể chủ nghĩa tư bản có ý thức sẽ là một dòng phát triển chủ lưu. Bằng chứng là, trên thế giới đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp thành công và đem lại những giá trị lớn cho cộng đồng và xã hội. Đó là những doanh nghiệp tìm mọi cách để đem lại lợi ích tối đa cho các bên liên quan, được xác định không chỉ bao gồm chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, mà còn có cả người lao động, nhà cung ứng, và cộng đồng nơi doanh nghiệp sinh trưởng.
“Cụm từ ‘Chủ nghĩa tư bản có ý thức’ giờ đây đã tương đối nổi tiếng, trong các doanh nghiệp, giới truyền thông và những nhà giáo dục kinh doanh, trên toàn cầu. Trong năm qua, chúng tôi đã phát biểu ở hàng trăm sự kiện trên toàn thế giới để lan truyền thông điệp về chủ nghĩa tư bản có ý thức. Một trong những khía cạnh đáng hài lòng nhất của trải nghiệm này là các ý tưởng về chủ nghĩa tư bản có ý thức đều hấp dẫn ở gần như khắp nơi,” theo các tác giả.
Không chỉ lan truyền thông điệp về chủ nghĩa tư bản có ý thức, John Mackey và Raj Sisodia còn mang đến cho các lãnh đạo doanh nghiệp và các doanh nhân một bộ khung cần thiết để điều hành doanh nghiệp cân bằng giữa lợi nhuận và đạo đức xã hội, thông qua bốn nguyên lý mang tính nền tảng của chủ nghĩa tư bản có ý thức: mục đích cao đẹp hơn, sự tích hợp các bên có lợi ích liên quan, sự lãnh đạo có ý thức, và nền văn hóa cùng sự lãnh đạo có ý thức.
Bằng trải nghiệm và hiểu biết của mình, các tác giả khẳng định, “Hệ điều hành kinh doanh mới này hòa hợp hơn với những nguyên tắc đạo đức của thời đại chúng ta và với bản chất của giống loài chúng ta đang tiến hóa.”