Những chú chuột đồng – vốn vượt trội ở khả năng dò mìn [chôn đất] – cũng có thể tạo nên sự khác biệt khi được huấn luyện để phát hiện một căn bệnh phổ biến khác: bệnh lao.
Cả mìn và bệnh lao đều đã giết chết rất nhiều người ở các quốc gia đang phát triển, đồng thời có thể bị ngửi thấy bởi những con chuột đồng dài khoảng 3 feet (7,02 cm) từ đầu đến đuôi. Chỉ riêng năm 2016, bệnh lao – căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đã cướp đi tính mạng của gần 1,6 triệu người trên toàn thế giới.
Từ năm 2000, APOPO – một tổ chức phi lợi nhuân quốc tế, đã hợp tác với Đại học Nông nghiệp Sokoine ở Tanzania để huấn luyện những con chuột “khổng lồ” có túi của châu Phi (tên khoa học là cricetomys ansorgei) nhằm phát hiện mùi thuốc nổ TNT trong mìn chôn dưới đất. Tính đến 2016, những con chuột đã dò được gần 20.000 quả mìn tại châu Phi và Đông Nam Á.
Với mong muốn giúp đỡ được nhiều người hơn, Georgies Mgode – nhà nghiên cứu chuyên về bệnh lây nhiễm [từ động vật sang người] ở Sokoine, cùng các cộng sự đã bắt đầu huấn luyện chuột đồng để phát hiện bệnh lao. Trong khi phương pháp chẩn đoán phổ biến nhất hiện nay là xét nghiệm đờm dưới kính hiển vi vẫn có khả năng bỏ sót tỷ lệ nhiễm bệnh tới hơn một nửa, thì các công nghệ chính xác hơn, hoặc là rất tốn kém hoặc vẫn đang được thử nghiệm.
“Mọi bệnh hoặc những gì liên quan đến hợp chất hữu cơ thì đều có mùi”, Mgode cho biết. Trong khi vi khuẩn gây bệnh lao mycobacterium tuberculosis lại phát ra tới 13 loại chất dễ bay hơi, khiến nó trở nên khác biệt so với những vi khuẩn khác. Còn việc huấn luyện chuột để phát hiện bệnh lao bằng cách ngửi và phân biệt những mùi đó trong đờm, thường mất khoảng 9 tháng.
Ban đầu, các huấn luyện viên sẽ tìm cách xây dựng mối liên kết với những con chuột con 4 tuần tuổi, như đặt tên cho chúng, chơi với chúng và cho chúng ăn bằng tay. Trong quá trình đào tạo, những con chuột thường nhận được phần thưởng là thức ăn khi chúng đứng lại trước những mẫu đờm bị nghi nhiễm bệnh. Hầu hết các con chuột được đào tạo có thể giải quyết tới 100 mẫu đờm trong chưa đầy 20 phút, nhanh hơn nhiều so với các phương pháp khác, Mgode nhận định.
Tuy nhiên, để thuyết phục mọi người chấp nhận những con chuột như một công cụ chẩn đoán quả thực là một thách thức. Hôm 4/4, báo cáo trên Tạp chí Pediatric Research cho biết: Mgode cùng các đồng nghiệp đã thực hiện phân tích hơn 55.000 mẫu đờm – thu thập từ nhiều phòng khám tại Tanzania và do những con chuột được huấn luyện trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2015 ngửi. Kết quả xét nghiệm bằng kính hiển vi cho thấy, có khoảng 8.351 mẫu nhiễm lao (TB); trong khi những con chuột đã phát hiện ra bằng con số ấy và cộng thêm 2.745 mẫu – sau đó được kiểm chứng bằng nhiều phương pháp khác. Chưa hết, chúng còn tỏ ra đặc biệt hiệu quả đối với các mẫu từ trẻ nhỏ – vốn ho rất ít đờm để xét nghiệm và có số lượng vi khuẩn rất ít.
Hiện tại, những con chuột đã được sử dụng để giúp sàng lọc các mẫu bệnh lao ở Tanzania, Mozambiqua và Ethiopia. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận.
Hải Đăng (Theo Science News)