Một liệu pháp chữa trị bệnh Parkinson bằng cách tiêm hàng triệu tế bào gốc vào não – trong điều kiện được kiểm soát đặc biệt – hiện đang trải qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Hãng tin AFP cho biết, nghiên cứu trên được bắt đầu từ tháng 10 dưới sự chỉ đạo của các nhà khoa học tại Đại học Kyoto (Nhật Bản) với tình nguyện viên là một bệnh nhân 50 tuổi.
Mặc dù cấy ghép tế bào gốc hoàn toàn không phải là phương pháp mới mẻ gì trong điều trị Parkinson, nhưng đây là lần đầu tiên mà một loại tế bào gốc đặc biệt – gọi là “tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng” (iPSC) được sử dụng. Đây là những tế bào thuộc loại “trưởng thành” (như tế bào máu hoặc da, và khác với chúng là các tế bào phôi) đã được lập trình lại để trở nên giống với tế bào ở thời kỳ mới bắt đầu phát triển, và nhờ đó có tiềm năng trở thành bất cứ loại tế bào nào khác của cơ thể.
Để phục vụ nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng iPSC nhằm tạo ra tế bào gốc tiền thân của loại tế bào sản sinh dopamine trong não – dopamine là chất hóa học cần thiết cho quá trình điều khiển hoạt động của cơ bắp. Đối với các bệnh nhân Parkinson, tế bào sản sinh dopamine trong não của họ thường bị chết đi và sụt giảm số lượng, dẫn tới những triệu chứng như liệt, run rẩy và gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại hay phối hợp cử động. Quỹ The Michael J. Fox cho biết, qua những thử nghiệm mới này, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ chứng minh được, việc cấy ghép iPSC sẽ giúp thay thế các tế bào chết trong não và phục hồi khả năng sản sinh dopamine.
Trong một ca phẫu thuật dài gần 3 tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã tiêm khoảng 2,4 triệu tế bào iPSC vào não trái của bệnh nhân – hiện tại ông này đang được theo dõi để phát hiện và điều chỉnh nếu có dấu hiệu xuất hiện tác dụng phụ. Và nếu không có bất cứ biến chứng nào xảy ra, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành bơm thêm 2,4 triệu iPSC nữa vào não phải của bệnh nhân. Chưa kể, theo kế hoạch thử nghiệm, các nhà khoa học sẽ phải thực hiện trên tổng cộng 7 bệnh nhân và theo dõi trong thời gian 2 năm.
Ngoài ra, Đại học Kyoto cũng cho biết, do iPSC được lấy từ những người hiến tế bào, cho nên các bệnh nhân sẽ được cho sử dụng thêm thuốc để ngăn sự đào thải của hệ miễn dịch.
Hải Đăng (Theo Live Science)