Không chỉ là biểu tượng của công nghệ và tinh thần hợp tác Bắc Âu, cây cầu Øresund nối Copenhagen và Malmö còn góp phần đem đến sự thịnh vượng ở Medicon Valley – một trong những trung tâm hàng đầu về khoa học sự sống châu Âu.
Medicon Valley hình thành khi cây cầu Øresund được hoàn tất. Nguồn: NASA.
Từ những năm 2000, Øresund đã được biết đến như cây cầu đường bộ và đường sắt dài nhất châu Âu. Vắt qua biển Baltic trên độ cao 207m so với mực nước biển, nó gồm một phần cầu dây văng dài 7,8km xuất phát từ Malmö (Thụy Điển) và một đường hầm dưới nước dài 4, 5 km nối với Copenhagen ở bờ bên kia. Nhờ có cây cầu này, khoảng cách giữa Đan Mạch và Thụy Điển không còn là 17km và tốn hai giờ đi phà nữa mà rút ngắn lại còn 40 phút ô tô. Do đó, người ta có thể lựa chọn cho mình một cuộc sống thoải mái và dễ chịu: sống ở Thụy Điển – nơi có chi phí thuê nhà, sinh hoạt thấp hơn, và làm việc ở Đan Mạch – nơi có mức lương cao hơn. Hơn thế, sự kết nối mới mà cây cầu mang lại đã gợi mở ra sáng kiến hợp tác xuyên biên giới giữa Copenhagen với các thành phố Malmö, Lund và Helsingborg thông qua việc thiết lập vùng Øresund – nơi tập trung tri thức nhiều lĩnh vực: khoa học vật liệu, khoa học sự sống, vật lý hạt nhân, hóa học… Trong số các lĩnh vực được cả chính phủ Đan Mạch và Thụy Điển đầu tư này, khoa học sự sống nổi lên với thương hiệu Medicon Valley. Theo một điều tra độc lập của Trung tâm Phân tích và xúc tiến DTU (DTU Analysis & Promotion Centre) thì Medicon Valley là trung tâm nghiên cứu về y sinh thứ ba châu Âu, sau London và Paris. Nếu xét trên tiêu chí công bố quốc tế, Medicon Valley xếp hạng 5 châu Âu, nổi bật về các bệnh dị ứng, trao đổi chất/nội tiết, sinh lý học và chấn thương chỉnh hình.
Công ty dịch vụ kiểm toán, tư vấn đa quốc gia Ernst & Young từng nhận xét trong Báo cáo Khoa học sự sống châu Âu: “Trong khi người ta tập trung nhiều vào Đức và Anh thì, Scandinavia đã lặng lẽ xây dựng một nền công nghiệp đẳng cấp thế giới và chứng tỏ cho phần còn lại của châu Âu thấy lối tiếp cận độc đáo để phát triển công nghiệp có thể đem lại những phần thưởng ý nghĩa như thế nào”.
Băng qua những biên giới cũ
Nói đến Medicon Valley là người ta muốn ám chỉ đảo Zealand ở phía đông Đan Mạch, nơi có thủ đô Copenhagen, và vùng Skåne (tiếng Anh là Scania) ở phía nam Thụy Điển, nơi từng là một phần của Đan Mạch cho đến Hòa ước Roskilde ký vào năm 1658 khi kết thúc cuộc chiến Thụy Điển - Đan Mạch (1657 - 1658). Thung lũng rộng 21.000 km2 này có một lực lượng đông đảo gồm 41.000 người làm việc trong các ngành khoa học sự sống, chiếm 58% tổng số người làm việc trong lĩnh vực này ở cả hai quốc gia.
Medicon Valley đã trải qua một quá trình thay đổi trong bối cảnh thế giới rơi vào tình trạng chia rẽ và ly khai, tạo ra những thách thức và cơ hội cho các nhà nghiên cứu Đan Mạch và Thụy Điển. Một số thay đổi giữa hai bờ Baltic cũng tạo ra khác biệt. Ví dụ vào thời kỳ 2008–1015, số lượng người làm việc trong ngành khoa học sự sống ở Skåne giảm tới 31% nhưng lại tăng lên 13% ở phần Đan Mạch của Medicon Valley. Điều này có thể giải thích là sự trồi sụt của ngành công nghiệp dược. Khủng hoảng vào năm 2011 buộc gã khổng lồ đa quốc gia AstraZeneca phải đóng cửa bộ phận nghiên cứu ở Lund (Thụy Điển), khiến 600 người mất việc làm trong khi ở phía Đan Mạch, Novo Nordisk ở Bagsværd cũng như nhiều công ty dược nhỏ lèo lái đã đem lại sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, sự thay đổi này không khiến người làm việc ở khu vực này cảm thấy sợ hãi. Trong quá khứ, họ đã chứng kiến nhiều chuyển biến ở vùng Øresund. Trong những năm 1970 và 1980, một vài công ty lớn của vùng có khả năng kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị và sản xuất một số thuốc sinh học. Bước sang thập niên 1990, rất nhiều ứng dụng mới của công nghệ sinh học xuất hiện, dẫn đến sự ra đời của một số công ty nhỏ có sự gắn bó chặt chẽ với nghiên cứu trong lĩnh vực công và sự hỗ trợ về tài chính của các công ty lớn. Vào cuối thập niên này, số lượng công ty lớn phải đóng cửa ngày càng tăng, các công ty lớn và nhỏ buộc phải tập trung nhiều vào nghiên cứu cơ bản để hiểu rõ hơn cơ chế của bệnh tật và khuyến khích phát triển những sản phẩm mới. Sự phức tạp ngày một gia tăng của ngành công nghiệp dược phẩm và chuyên môn hóa ngày càng lớn của các công ty khiến họ phải mở rộng mối liên kết toàn cầu với những vùng sinh học khác, đặc biệt là gia nhập mạng lưới nghiên cứu quốc tế.
Do đó, văn hóa làm việc ở Medicon Valley là không ngại thay đổi, không ngại hợp tác và dám đương đầu với thử thách. Tất cả các bên đều có thể tận dụng được thế mạnh của nhau. Jan van de Winkel, giám đốc điều hành Genmab - một công ty công nghệ sinh học lớn nhất châu Âu được thành lập năm 1999 và đang phát triển những liệu pháp điều trị kháng thể với trên 100 trường hợp thử nghiệm lâm sàng, nêu công thức thành công của Medicon Valley là nhờ vào sự kết nối các công ty dược lớn của Đan Mạch, các trường đại học của Thụy Điển và các bệnh viện ở hai bên bờ Baltic. Nếu xét ở khía cạnh học thuật thì sự kết hợp này cũng ở mức hoàn hảo: công bố từ sự hợp tác giữa công ty Đan Mạch và trường đại học Thụy Điển thường xấp xỉ 20% số lượng công bố của Medicon Valley, nghĩa là chỉ đứng sau “liên minh” trường Đại học Đan Mạch – Thụy Điển (khoảng 70%). Jan van de Winkel nhấn mạnh: “Tôi thấy tương lai tươi sáng cho Medicon Valley từ những kết nối bền chặt giữa những phần khác biệt trong hệ sinh thái khoa học sự sống đang không ngừng lớn mạnh.”
Khi nói đến “những phần khác biệt” trong hệ sinh thái của Medicon Valley, Jan van de Winkel muốn ám chỉ đến 350 công ty công nghệ sinh học, dược phẩm, công nghệ y tế, 32 bệnh viện, 9 trường đại học với gần 7.000 nhà nghiên cứu, 6.000 nghiên cứu sinh (90% là người Scandinavia). Sự gần gũi giữa họ khiến cái nhìn của giới nghiên cứu với ngành công nghiệp cũng rộng mở hơn. Giáo sư Nils Brünner – nhà nghiên cứu về ung thư tại trường Đại học Copenhagen, tận dụng hiểu biết về ngành công nghiệp để lập một startup mang tên Scandion Oncology vào tháng 5/2017. Công ty của ông đang tập trung vào một loại sản phẩm nhiều tiềm năng đã bắt đầu chứng tỏ được hiệu quả khắc phục khả năng kháng thuốc trên một số ca điều trị ung thư. Brünner nói, 10 năm trước, một nhà nghiên cứu hàn lâm không muốn nói với ai mình là đối tác của giới công nghiệp “bởi vì họ có thể nghĩ anh rơi vào tình trạng xung đột lợi ích giữa nghiên cứu và lợi nhuận. Tình trạng này rốt cuộc đã thay đổi một cách nhanh chóng. Hiện giới hàn lâm tự hào khi được làm việc với doanh nghiệp và nếu lập ra một công ty, thậm chí anh sẽ trở thành một người hùng”.
Giáo sư Nils Brünner là một trong những ví dụ thành công ở Medicon Valley, khi thành lập startup Scandion Oncology . Nguồn: ĐH Copenhagen.
Những người hùng như vậy không thiếu ở Medicon Valley, ví dụ giáo sư Carl Borrebaeck, người thành lập Viện nghiên cứu ung thư CREATE Health thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu trường Đại học Lund và bệnh viện trường Đại học Skåne vào đầu những năm 2000, đã góp phần tạo ra 4 công ty từ những nghiên cứu ở viện: Immunovia chuyên về thiết bị chẩn đoán sớm; SenzaGen chuyên về các dược chất chống ung thư; Bioinvent International phát triển dược phẩm có thành phần là kháng thể chống ung thư; Alligator Bioscience phát triển các dược chất từ liệu pháp miễn dịch.
Việc liên tục hoán đổi vị trí cũng đem lại sự thấu hiểu văn hóa giữa hai giới cũng như giữa hai lĩnh vực công - tư. Điển hình là TS. Daniel Otzen: từng học đại học tại Aarhus, Đan Mạch, làm nghiên cứu sinh và postdoc tại Lund, Thụy Điển, làm việc tại công ty Novozymes Đan Mạch rồi chuyển sang làm nghiên cứu cơ bản tại trường Đại học Aarhus và lập CureND – một công ty chuyên về các loại thuốc điều trị bệnh Parkinson. Anh nói: “Có được một nền tảng hiểu biết về ngành công nghiệp là điều rất tuyệt, nó sẽ mở ra khả năng tiếp nhận một môi trường làm việc khác biệt, sau đó đem lại khả năng thiết lập mối quan hệ hợp tác công tư minh bạch và có lợi cho mỗi bên”.
Mở rộng liên kết quốc tế
Không chỉ được biết đến ở vùng Scandinavia, Medicon Valley còn thiết lập được danh tiếng thông qua hợp tác với các trung tâm nghiên cứu sinh học lớn như Massachusetts, Basel, Île-de-France, New Jersey/New York, đồng thời có nhiều mạng lưới thu hút sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới. Thế mạnh của Medicon Valley là những hướng nghiên cứu tiên phong về điều trị ung thư, tiểu đường, lây nhiễm và tự miễn dịch, rối loạn thần kinh, enzyme và khoa học thực phẩm… Với mong muốn thúc đẩy hơn nữa những hiểu biết về bệnh tật, các nhà nghiên cứu ở đây luôn ở tư thế sẵn sàng kết nối với các đồng nghiệp khắp thế giới.
Để làm được điều này, họ đã thực hiện nhiều cách làm sáng tạo, một trong số đó là lập mạng lưới nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu ở Medicon Valley là nòng cốt, tạo thế chủ động trong việc tổ chức hội thảo, seminar, đề xuất dự án nghiên cứu, dự án thử nghiệm. Ví dụ, Julio Celis, giám đốc Viện nghiên cứu Sinh học ung thư thuộc Hội ung thư Đan Mạch, đã phát triển một mạng lưới gồm các chuyên gia làm việc tại 18 trung tâm nghiên cứu ung thư của châu Âu. Ông giải thích về mục đích của mình khi thiết lập mạng lưới này: “Ung thư là loại bệnh phức tạp, không một viện nghiên cứu, không một quốc gia hay thậm chí là một lục địa có thể giải quyết được nó” và “việc kết nối sẽ tận dụng được thế mạnh ở từng quốc gia, nhất là khi ở mỗi nơi đều có những chuyên gia giỏi”. Mặt khác, mạng lưới sẽ khuyến khích tính cơ động của các chuyên gia, sinh viên và tạo ra cơ hội để giới công nghiệp khám phá các chương trình nghiên cứu kinh viện, qua đó đầu tư vào các dự án thử nghiệm với hi vọng thúc đẩy quá trình tìm được phương thức điều trị mới.
Việc thu hút các chuyên gia quốc tế đến Medicon Valley không chỉ từ phía cá nhân các nhà nghiên cứu mà còn từ giới công nghiệp thông qua các khoản đầu tư vào R&D. Dẫn đầu trong xu thế này là Novo Nordisk, một công ty chuyên về các loại thuốc và thiết bị về tiểu đường có đại diện trên 75 quốc gia, hằng năm đầu tư hơn 200 triệu euro cho các nghiên cứu về bệnh này, trong đó phần nhiều là nghiên cứu ngay tại Medicon Valley. Thông qua các dự án nghiên cứu như vậy, những nhà khoa học hàng đầu thế giới đã được mời đến đây làm việc.
Không riêng gì những công ty lớn mà những doanh nghiệp nhỏ cũng sẵn sàng chi cho nghiên cứu. Giáo sư Thomas Mandrup Poulsen của trường Đại học Copenhagen, người đang thực hiện nghiên cứu bệnh tiểu đường cả về cơ bản và thử nghiệm lâm sàng tại Viện nghiên cứu Hagedorn và Trung tâm tiểu đường Steno cũng nhận thấy “xu hướng ngày một tăng của các công ty nhỏ với các trường đại học để giải quyết những vấn đề nghiên cứu cơ bản và góp phần làm tăng thêm hiểu biết về bệnh tật”. Thông qua những trải nghiệm của mình tại Medicon Valley, ông từng đề xuất trên Science “cách để có được nghiên cứu cơ bản và tăng cường chuyển giao kết quả nghiên cứu cùng lúc là tạo ra nhiều học bổng tiến sỹ hoặc postdoc với yêu cầu phải có sự hợp tác giữa viện nghiên cứu cơ bản, trung tâm thử nghiệm lâm sàng và ngành công nghiệp” trong lĩnh vực khoa học sự sống.
Novo Nordish đầu tư hơn 200 triệu USD mỗi năm để nghiên cứu bệnh tiểu đường. Nguồn: : Novo Nordish.
Nhờ có những cách làm này, số lượng công bố quốc tế về khoa học sự sống có sự tham gia của các nhà khoa học nước ngoài tại 9 trường Đại học Medicon Valley tăng dần về lượng và chất, dẫn đầu là hai trường đại học Copenhagen và Lund: tỷ lệ công bố có tác giả quốc tế chiếm ½ tổng số công bố, trải đều ở các khoa Dược phẩm, sinh học, hóa học, kỹ thuật y sinh, công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, công nghệ miễn dịch…; tăng lượng bài báo trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng trên 30 như Nature, Science, Annual Review of Immunology, CA: A Cancer Journal for Clinicians, Chemical Reviews, JAMA The Journal of the American Medical Association, The Lancet…
Bên cạnh đó, trong số 7.000 nhà nghiên cứu làm việc tại Medicon Valley, có gần 2.500 người là nhà khoa học quốc tế, theo một số liệu điều tra năm 2015. Trả lời Nature, họ cho rằng, nơi đây có 3 điểm nổi bật: khả năng gia nhập một môi trường khoa học và cơ sở hạ tầng nghiên cứu hàng đầu châu Âu; khả năng hợp tác với những nhà nghiên cứu xuất sắc và những người làm trong ngành công nghiệp hết sức cởi mở; sự hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm và kinh doanh từ các nhà đầu tư địa phương.
***
Tuy nhiên không có điều gì là hoàn hảo. Với những người thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Thụy Điển – Đan Mạch và quốc tế biết rằng vẫn có nhiều thách thức ở nơi này. Một trong số này là nguồn vốn đầu tư địa phương – dù sẵn sàng nhưng không đủ lớn, điều đó khiến nhiều công ty nhỏ phải phụ thuộc vào sự đầu tư từ nước ngoài và dễ bị mua lại. “Có nhiều start-ups (công ty khởi nghiệp) và grown-ups (công ty có sức tăng trưởng nhanh chóng) nhưng chúng tôi lại thiếu scale-up (công ty mở rộng quy mô nhanh)”, Soren Bregenholt, chủ tịch Liên minh Medicon Valley, thừa nhận. Ví dụ năm 2015, công ty EpiTherapeutics chuyên về ung thư đã bị công ty Mỹ Gilead ở California thâu tóm với số tiền 65 triệu USD.
Một khó khăn khác là việc tuyển dụng ở nhiều công ty lớn. “Người ta thường nhận được mức lương cao hơn ở Mỹ và Thụy Sĩ”, Erik Kristensen, giám đốc nhân sự tại Novo Nordisk cho biết.
Tồn tại gần 20 năm nhưng với người ngoài Scandinavi, một trung tâm khoa học sự sống xuyên biên giới và con đường kết nối qua làn nước lạnh vẫn có vẻ hơi kỳ lạ. Có một chút gì nửa Thụy Điển, nửa Đan Mạch ở nơi này, nếu vượt qua được điều đó, người ta sẽ thấy thú vị. “Người Đan Mạch hiểu người Thụy Điển và ngược lại”, giáo sư Brünner – người gốc Đan Mạch sinh ra ở Thụy Điển, nói. “Có rất nhiều điểm chung văn hóa giữa hai bên, mặc dù dĩ nhiên là cũng có nhiều điểm khác biệt trong điều hành, nghiên cứu và quan điểm sống. Dẫu vậy thì tất cả những điều đó vẫn mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đạt tới những nghiên cứu ở trình độ cao hơn”.