Trên thực tế, biện pháp rửa tay bằng các hợp chất chứa isopropanol đã trở nên rất thông dụng trong bệnh viện, và nó cũng cho thấy hiệu quả trong việc kiểm soát nhiều bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như vi khuẩn kháng methicillin Staphylococcus ureus (MRSA). Tuy nhiên, một số nghiên cứu vẫn đưa ra cảnh báo về những hậu quả không thể lường trước được, chính là từ các VRE.
Giáo sư Timothy Stinear tới từ Đại học Melbourne – đồng tác giả của nghiên cứu trên – nhận định đây thực sự là hồi chuông cảnh báo đối với công tác phòng chống lây nhiễm tại các bệnh viện trên toàn thế giới, rằng chúng ta rất cần những chiến lược và phương án tiếp cận mới. Để kiểm soát sự lây lan của các VRE thì các chuyên viên y tế cần làm nhiều thứ hơn là chỉ chuẩn bị chất khử trùng gốc cồn. Một số lựa chọn thay thế có thể kể tới như sử dụng chất kháng khuẩn gốc clo, bên cạnh đòi hỏi phải cải thiện quy trình điều tra tình trạng bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm để kịp thời cách ly và sớm có biện pháp khống chế.
Trong số những loại VRE phổ biến nhất, Enterococcus faecium hiện đang lây lan rất nhanh ở Anh và Úc. Các loại bệnh truyền nhiễm do VRE gây ra là rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Chưa kể VRE còn có thể sống ký sinh trong ruột rồi lưu thông theo đường máu và gây nhiễm trùng huyết. Một khi mắc phải các VRE thì sẽ rất khó điều trị do chúng “nhờn” với hầu hết mọi loại kháng sinh. Ngoài ra, VRE còn trú ngụ cả tại van tim lẫn các bộ phận cấy ghép nhân tạo. Người bệnh từng trải qua hóa trị, cấy ghép nội tạng hay lọc máu thường có nguy cơ lâu nhiễm VRE cao.
Trong bài báo công bố trên Tạp chí Science Translational Medicine, GS Stinear cùng các cộng sự đã mô tả thí nghiệm “tách” Enterococcus faecium ra khỏi cơ thể bệnh nhân để ngâm trong isopropanol rồi đem về phòng thí nghiệm lưu giữ trong vòng năm phút. Có tất cả 139 mẫu như vậy đã được thu thập từ hai bệnh viện ở Melbourne từ năm 1997 đến 2015. Trong vòng 15 năm (2000 – 2015), tần suất sử dụng các chất rửa tay gốc cồn trong bệnh viện của Úc đã tăng lên gấp 10 lần. Và những nghiên cứu sau này đã chỉ ra rằng mức độ kháng cồn của vi khuẩn Enterococcus faecium cũng tăng lên theo thời gian.
Mặc dù vậy, do thuốc sát trùng gốc cồn trong phòng thí nghiệm không được đậm đặc như tại bệnh viện, cho nên nhóm nghiên cứu đã thực hiện thêm một thí nghiệm khác: quét bốn mẫu vi khuẩn lên bề mặt của những chiếc lồng khác nhau rồi lau bằng giấy thấm isopropanol – với nồng độ ngang bằng mức trong bệnh viện; sau đó họ thả những con chuột vào lồng khoảng 1 tiếng trước khi bỏ chúng ra. Kết quả soi chiếu một tuần sau đó cho thấy vi khuẩn đã trú ngụ trong nội tạng của đa số những con chuột.
Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu tin rằng cần thiết phải xác minh sự xuất hiện của biến thể vi khuẩn kháng cồn tại nhiều nơi khác trên thế giới, nhằm làm rõ nguyên nhân đứng sau khả năng thích ứng của chúng, rằng liệu đó có phải là do tần suất sử dụng chất khử trùng gốc cồn ngày càng gia tăng.